Thị trường tài chính quý I/2023 khá ảm đạm, theo như thống kê tính đến ngày 2/4/2023, có 247 doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 thì phải đến 40% trong số đó đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 giảm xuống, thậm chí là lỗ. Trong lĩnh vực xây dựng nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung, đáng chú ý vẫn có nhiều doanh nghiệp lạc quan đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2023.
Cụ thể, ứng viên đầu tiên nên được điểm mặt chính là doanh nghiệp được xếp thứ nhất trong top 10 công ty xây dựng của năm 2023, CTCP Xây dựng Coteccons (MCK: CTD, HoSE).
Tuy doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng trưởng 60% so với cùng kỳ, đạt 14.538 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán và chi phí tăng cao khiến cho doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh lên tới gần 54 tỷ đồng. Nhờ khoản lợi nhuận khác trị giá 88 tỷ đồng, CTD vẫn có lãi sau thuế gần 21 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2021 và là con số thấp nhất kể từ khi bắt đầu hoạt động.
Dù vậy, đặt mục tiêu cho năm 2023, Coteccons dự kiến doanh thu đạt được sẽ là 16.249 tỷ, lãi sau thuế 233 tỷ, tăng 12% về doanh thu và gấp 11 lần về lợi nhuận so với năm 2022.
Theo đánh giá HĐQT Coteccons, hiện doanh nghiệp đã hoàn tất cảnh báo cho toàn hệ thống về những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường, 16 dự án có tổng giá trị nợ rất lớn đến từ mô hình tổ chức, quản lý cũ để lại đã từng bước được xử lý. Do đó giá trị các khoản trích lập dự phòng của năm 2023 sẽ giảm.
Một doanh nghiệp khác chính là CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (MCK: HQC, HoSE) nhận được khá nhiều lợi ích từ việc chính sách gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng có hiệu lực, phù hợp với thế mạnh sẵn có của công ty này trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội. Địa ốc Hoàng Quân đưa ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2023 tăng trưởng vượt bậc, gấp lần lượt 5,1 lần và 7,4 lần kết quả năm 2022, tương ứng 1.700 tỷ đồng doanh thu và 140 tỷ đồng lãi sau thuế.
CTCP Tasco (MCK: HUT, HNX) cũng đặt mục tiêu cho năm 2023 tổng doanh thu là 22.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, lần lượt gấp 21 và gấp 4,1 lần kết quả năm 2022. Kế hoạch này đã bao gồm kế hoạch hợp nhất SVC Holdings trong năm 2023. Tasco cho biết sẽ hoàn thành thủ tục để sở hữu SVC Holdings trong năm 2023 và hoàn thiện hệ sinh thái về xe ô tô, gia tăng số lượng showroom và phát triển thương hiệu ô tô mới (xe sang và xe điện) để đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ô tô.
CTCP FPT (MCK: FPT, HoSE) vẫn rất lạc quan về khả năng tăng trưởng trong năm 2023. Mục tiêu doanh thu năm 2023 của FPT là 52.289 tỷ đồng, tăng 18,8% và lợi nhuận trước thuế đạt 9.055 tỷ đồng, tăng 18,2% so với mức thực hiện năm 2022. FPT sẽ phá vỡ kết quả kinh doanh kỷ lục đã được thiết lập trong năm 2022 nếu mục tiêu được hoàn thành.
Còn có CTCP Traphaco (MCK: TRA, HoSE) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 2.600 tỷ đồng doanh thu, tăng 8,4% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 326 tỷ đồng, tăng 11,2% so với mức thực hiện năm 2022. Về chia cổ tức, doanh nghiệp phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 30% bằng tiền mặt.
Cùng với đó, Traphaco cũng sẽ tận dụng cơ hội tăng trưởng, đầu tư phát triển các sản phẩm mới, đưa vào sản xuất và ra thị trường ít nhất 19 sản phẩm. Mục tiêu doanh số sản phẩm mới triển khai trong năm 2023 khoảng 36 tỷ đồng, doanh số các sản phẩm mới triển khai thị trường từ năm 2021 khoảng 170 tỷ đồng.
Bình Đức
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/loat-doanh-nghiep-manh-tay-dat-muc-tieu-cho-nam-toi-205723777.htm