Loạt doanh nhân nhóm Đông Âu: Nguyễn Thị Phương Thảo- Từ kinh doanh nông sản, băng đĩa,... đến nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam

Khởi nghiệp với vốn liếng là chữ tín và sự lao động chăm chỉ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo bước chân vào thương trường khi mới là sinh viên năm 2 và dần vươn lên trở thành nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam, sở hữu "hệ sinh thái" đa ngành từ hàng không, tài chính, bất động sản,...

Khởi nghiệp với vốn liếng là chữ tín và sự chăm chỉ

CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội và may mắn có cơ hội được đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính ở Liên Xô năm 17 tuổi.

Bà Thảo nhanh chóng nổi tiếng trong cộng đồng không chỉ với thành tích học tập xuất sắc mà còn có tài kinh doanh thiên bẩm. Ngay khi mới chỉ là sinh viên năm thứ 2, nhân cơ hội thị trường Đông Âu đang trong tình trạng mọi thứ đều khan hiếm, bà Thảo đã bắt đầu kinh doanh đủ thứ từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, thậm chí cả hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) sang Đông Âu… 

Bên cạnh đó, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như thiết bị, sắt thép, phân bón…

loat-doanh-nhan-nhom-dong-au-nguyen-thi-phuong-thao-tu-kinh-doanh-nong-san-bang-dia-den-nu-ty-phu-giau-nhat-viet-nam-antt-1695641104.PNG
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo- CEO Vietjet Air.

Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, vốn liếng của bà Thảo lúc bấy giờ chỉ là chữ tín và sức lao động chăm chỉ đến phi thường của bản thân. Đối với bà Thảo, việc kinh bắt đầu lúc 5h và kết thúc lúc 2h ngày hôm sau là điều bình thường.

Nhờ sự chăm chỉ cùng khả năng kinh doanh, lại thêm dám nghĩ dám làm, chỉ sau đó vài năm, bà Thảo đã có 1 triệu USD đầu tiên khi mới 21 tuổi. Với số vốn được coi là rất lớn ở thời điểm đó, bà Thảo bắt đầu chuyển sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác.

Sau khi quay về Việt Nam, bà Thảo tập trung đầu tư vào 2 lĩnh vực chính là tài chính và bất động sản. Nữ tỷ phú USD này góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank, tiếp đó là Ngân hàng VIB, hai trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Tạo lập được "hệ sinh thái" đa ngành nhưng tên tuổi của bà Nguyễn Thị Phương Thảo phần lớn gắn liền với Vietjet Air.

Vietjet Air nhận được giấy phép kinh doanh vào năm 2007, thế nhưng lúc bắt đầu kế hoạch kinh doanh thì giá dầu trên thế giới lúc đó lại tăng cao làm cho kế hoạch bị hoãn lại. 

Năm 2010, Vietjet Air nhận được đề nghị hợp tác liên doanh với AirAsia nhưng đáng tiếc việc liên doanh không thành.

Không từ bỏ "giấc mơ bay", bà đã tự mở hãng hàng không tư nhân lấy tên Vietjet Air, định hướng phát triển theo mô hình bay giá rẻ. Kể từ đó đến nay, Vietjet Air phát triển mạnh mẽ và trở thành hãng hàng không chiếm thị phần lớn trong ngành.

Sau nhiều năm hoạt động trên thương trường, bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành một trong những tỷ phú USD của Việt Nam. Năm 2017, bà Thảo trở thành nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Kể từ đó đến nay, nữ CEO Vietjet Air nhiều năm liền có tên trong danh sách tỷ phú USD do Forbes công bố.

Ngoài hàng không, bà Thảo còn đầu tư vào bất động sản thông qua Sovico Holdings. Sovico Holdings đã mua lại resort Furama (resort xứng tầm 5 sao duy nhất của Việt Nam vào thời điểm đó), L’Alyana Ninh Vân Bay và Ana Mandara Cam Ranh (Khánh Hòa), CTCP Địa ốc Phú Long (dự án Dragon City),...

Bên cạnh đó, bà Thảo cũng đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch thường trực HĐQT và nắm giữ lượng lớn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, MCK: HDB)

Người đàn ông đứng sau sự thành công của Madam Vietjet

Mặc dù có sự nghiệp không kém gì bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhưng ông Nguyễn Thanh Hùng- phu quân của CEO Vietjet Air sẵn sàng nhường ánh hào quang cho vợ.

Ông Nguyễn Thanh Hùng là đại gia ẩn danh thuộc thế hệ 6x,7x lập nghiệp ở Đông Âu.

Giữ nhiều vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp song ông Hùng gây chú ý nhất khi giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Sovico- doanh nghiệp được biết đến với nhiều thương vụ đầu tư bất động sản lớn ở cả Việt Nam và nước ngoài và là cổ đông sáng lập của hãng hàng không tư nhân VietJet Air. 

Sovico Holdings hiện kinh doanh trên 4 lĩnh vực chính là bất động sản; Đầu tư tài chính - ngân hàng; Điện - năng lượng và Hàng không.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Hùng cũng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao cấp ở 1 số doanh nghiệp khác như: HDBank, CTCP dầu khí Đông Đô, CTCP Hàng không Vietjet.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng có một người con trai là Nguyễn Phước Hùng Anh Victor (tên tiếng Anh là Tommy Nguyễn).

Khác với nhiều "thế hệ F2" nhà đại gia Việt, Nguyễn Phước Hùng Anh Victor không làm việc tại công ty của bố mẹ mà bắt đầu khởi nghiệp và tự kinh doanh.

Trong lần hiếm hoi xuất hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Nguyễn Phước Hùng Anh Victor được giới thiệu là Co-founder của startup Swift 247. Đây là công nghệ cung cấp dịch vụ chuyển phát siêu tốc thông qua đường hàng không.

Chia sẻ về con trai thời điểm đó, bà Thảo kể: "Bạn ấy học ở trường phổ thông nội trú ở Anh, vẫn học tiếng Việt online với thầy Việt Nam, nhắn tin cho mẹ tiếng Việt có dấu và năm nay bạn dự thi vào khoa quản lý kinh tế của Đại học Oxford với bài luận mở đầu bằng câu 'mẹ tôi là một hình mẫu để tôi mong muốn phấn đấu noi theo”.

Được biết, thiếu gia nhà nữ tỷ phú USD duy nhất tại Việt Nam hiện đang sở hữu 69.145 cổ phiếu VJC của VietJet, tương ứng tỷ lệ 0,013% vốn tại hãng hàng không này.

Bạch Hiền

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/loat-doanh-nhan-nhom-dong-au-nguyen-thi-phuong-thao-tu-kinh-doanh-nong-san-bang-dia-den-nu-ty-phu-giau-nhat-viet-nam-2054352.htm