Loạt doanh nhân nhóm Đông Âu: Phạm Nhật Vượng- Từ vắt mỳ đến hệ sinh thái đa ngành Vingroup

Thành công với công ty mỳ gói tại Ukraine, ông Phạm Nhật Vượng dẫn dắt Vingroup phát triển thành một tập đoàn đa ngành, tạo ra hệ sinh thái riêng của mình từ bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng đến y tế, giáo dục, công nghệ...

Từ vắt mỳ đến hệ sinh thái đa ngành

Nhờ thành tích học tập xuất sắc tại trường Đại học Mỏ địa chất (Hà Nội), ông Phạm Nhật Vượng giành được học bổng du học ở trường Đại học Thăm dò địa chất Liên bang Nga.

Ngay thời điểm học tập tại nước ngoài, ông Vượng đã khởi nghiệp buôn bán từ đầu những năm 1990 nhưng do thiếu kinh nghiệm nên đã bị phá sản. Sau đó, tận dụng được thời cơ lúc đó, ông cùng vợ là bà Phạm Thu Hương vay tiền từ bạn bè để mở nhà hàng tên Thăng Long và Công ty Technocom.

loat-doanh-nhan-nhom-dong-au-pham-nhat-vuong-tu-vat-my-den-he-sinh-thai-da-nganh-vingroup-antt-1695348696.PNG
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng- Chủ tịch HĐQT Vingroup

Đến năm 1993, nhận thấy thị trường đồ ăn liền đầy tiềm năng, ít rủi ro, ông Pham Nhật Vượng bắt đầu sản xuất mì ăn liền MiVina. Do có công thức làm mì riêng, nguồn nguyên liệu tươi ngon nhập khẩu từ Việt Nam, mì ăn liền MiVina nhanh chóng được người dân Ukraine cũng như các nước lân cận ưa chuộng.

Chỉ trong vòng 3 năm từ năm 1993 -1996, ông Vượng đã đưa Technocom vươn lên thành một tập đoàn hùng mạnh. Thời kỳ đỉnh điểm, Technocom của ông Phạm Nhật Vượng ở Ukraine có 7 nhà máy, hơn 5.000 công nhân, sản xuất mì, bao bì, túi folie, gia vị…

Năm 2010, sự nghiệp của ông rẽ sang trang mới khi Nesle mua lại Technocom với mức giá 150 triệu USD. Vào thời điểm đó, ông Vượng còn sở hữu 2 nhà máy ở Kharkov với doanh thu khoảng 100 triệu USD/năm với hàng nghìn công nhân.

Thành công nhờ công ty mì gói ở Ukraine, ông chuyển hướng về đầu tư vào các dự án với mong muốn nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế đang phát triển nhanh ở quê nhà.

Ông Phạm Nhật Vượng đã dùng số lợi nhuận từ việc việc bán Technocom để đầu tư vào thị trường bất động sản cao cấp với 2 thương hiệu chiến lược đó là Vinpearl và Vincom.

Thời điểm đó, dù đang song song điều hành công việc kinh doanh mì gói tại Ukraina và đầu tư trong nước, ông Vượng vẫn giành nhiều thời gian sang một số nước phát triển lân cận để học hỏi về lĩnh vực kinh doanh khách sạn và cách xây dựng trung tâm thương mại. Nhờ đó, Vinpearl Land và Vincom có được thành công như ngày hôm nay.

Sau thành công bước đầu, tập đoàn liên tục phát triển các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại đình đám, mang dấu ấn thương hiệu như: Vinpearl Nha Trang Resort, Vinpearl Land, Vincom Center Bà Triệu,..

Tháng 9/2009, Technocom đổi tên thành Tập đoàn Vingroup (tên đầy đủ là Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ukraina) về Hà Nội (Việt Nam).

Đến tháng 1/2012, công ty CP Vincom và Công ty CP Vinpearl sáp nhập, chính thức hoạt động dưới mô hình tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup- CTCP với ba nhóm hoạt động trọng tâm bao gồm: Công nghệ - Công nghiệp, Thương mại Dịch vụ, Thiện nguyện Xã hội

Kể từ đó đến nay, Vingroup phát triển thành một tập đoàn đa ngành, tạo ra hệ sinh thái riêng của mình từ bất động sản (Vinhomes, Vincity); du lịch, nghỉ dưỡng (Vinpearl), y tế (Vinmec, Vinfa), giáo dục (Vinschool, VinUni), chế tạo ô tô, xe máy (Vinfast), điện tử (Vinsmart),...

Vingroup cũng từng lấn sân sang sản xuất điện thoại thông minh và TV với thương hiệu Vinsmart. Ban đầu, Vinsmart được biết tới là công ty sản xuất điện thoại thông minh "Made in Viet Nam" với các dòng sản phẩm tiêu biểu như: VSmart Joy 1, VSmart Joy 1+, VSmart Active, VSmart Active 1+, Vsmart Airs Pro.

Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm hoạt động, Vinsmart đã dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về "Infotainment"trên phương tiện giao thông (VinFast) và nhà ở.

Theo đăng ký thao đổi ngày 29/9/2022, vốn điều lệ của doanh nghiệp được điều chỉnh tăng từ 9.200 tỷ đồng lên 10.400 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố.

Nhờ thành công của Vingroup cũng như các doanh nghiệp trong hệ sinh thái, ông Vượng trở thành tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2013.

Kể từ đó đến nay, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng luôn giữ vững vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng tỷ phú USD của Việt Nam theo ghi nhận từ Forbes.

Khiến thế giới trầm trồ với Vinfast

Nổi danh với những dự án bất động sản đình đám nhưng Vingroup được thế giới biết đến nhiều hơn nhờ sự ra đời của Vinfast.

Tháng 6/2017, Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh Vinfastđược thành lập. Là thương hiệu ô tô trong nước còn khá non trẻ nhưng từ khi ra mắt đã liên tục tạo nên nhiều tiếng vang trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy.

loat-doanh-nhan-nhom-dong-au-pham-nhat-vuong-tu-vat-my-den-he-sinh-thai-da-nganh-vingroup-antt-2-1695348904.PNG
Vinfast ra mắt bộ đôi xe điện VF e35 và e36 tại Mỹ.

Năm 2021, Vinfast bất ngờ công bố 5 dòng ô tô điện, mở ra kỷ nguyên mới cho nền công nghiệp ô tô tại Việt Nam.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 15/3/2021 Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast đã tăng vốn gần 4.900 tỷ đồng, từ 37.616 tỷ đồng lên 42.497 tỷ đồng.

Hai cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Vingroup sở hữu 51,522% và CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Nam (Công ty do ông Phạm Nhật Vượng sở hữu 92,88% vốn) sở hữu 40,98%. Các cổ đông còn lại gồm: ông Phạm Nhật Vượng nắm 5%, vợ ông Vượng là bà Phạm Thu Hương sở hữu 1%; con trai ông Vượng là Phạm Nhật Quân Anh sở hữu 0,5%; bà Phạm Thúy Hằng (em gái bà Phạm Thu Hương) sở hữu 1% VinFast.

Tháng 12/2021, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast.

Sau đó 1 năm, đến tháng 12/2022, vốn điều lệ của doanh nghiệp này được điều chỉnh tăng lên mức gần 129.064 tỷ đồng; trong đó, cổ đông nước ngoài là Vinfast Auto PTE.LTD. (Singapore) sở hữu 39,09% vốn; sở hữu của cổ đông trong nước không được tiết lộ.

Chủ tịch HĐQT đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP sản xuất và kinh doanh Vinfast là bà Lê Thị Thu Thủy. Ông Phạm Nhật Vượng giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc doanh nghiệp này.

Tối ngày 15/8/2023 (theo giờ Việt Nam), VinFast đã rung chuông ra mắt trên sàn Nasdaq Global Select Market, chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu.

Công ty hoạt động dưới pháp nhân VinFast Auto Ltd. với mã giao dịch “VFS”, trở thành thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến hiện tại.

Về tình hình kinh doanh, theo công bố thông tin định kỳ của Vinfast,  ttính đến hết quý II/2023, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước; từ hơn 8.597 tỷ đồng lên hơn 15.560 tỷ đồng.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 9,85 lần; cải thiện so với con số 13,71 lần nửa đầu năm 2023; tương đương, số nợ Vinfast phải trả tính đến ngày 30/6/2023 là hơn 153.266 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Vinfast giảm từ mức âm 12.823 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái về âm 18.039 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu tính đến hết Quý II/2023 ở mức âm 1,16 lần.

Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu của Vinfast tính đến nửa đầu năm 2023 giảm 66,8% so với cùng kỳ năm trước, từ 2,71 lần xuống còn 0,9 lần, tương đương số tiền dư nợ trái phiếu Vinfast phải trả là hơn 14.004 tỷ đồng.

Đối với ngành xe điện, ngoài VinFast, mới đây, ông Phạm Nhật Vượng đã dùng cổ phiếu VIC thuộc sở hữu cá nhân để góp vốn thành lập GSM- doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast.

Chỉ vài tháng sau khi thành lập, GSM đã phát triển mạng lưới hàng nghìn xe taxi, xe máy điện. Từ 3.000 tỷ đồng khi mới thành lập, ngày 13/9, vốn điều lệ của GSM đã tăng lên 5.947 tỷ đồng.

Ngoài ra, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cũng đang rót vốn vào 2 công ty sản xuất pin là VinES và VinES Hà Tĩnh.

Bạch Hiền

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/loat-doanh-nhan-nhom-dong-au-pham-nhat-vuong-tu-vat-my-den-he-sinh-thai-da-nganh-vingroup-2054279.htm