Tăng vốn điều lệ luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng quốc doanh và thương mại trong nhiều năm trở lại đây, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe về bảo đảm hệ số an toàn vốn CAR theo quy định của các cơ quan chức năng, đồng thời có thêm nguồn lực để mở rộng khả năng huy động vốn trong xã hội, mở rộng đầu tư, mạng lưới hoạt động, đổi mới công nghệ,..
Một số ngân hàng tăng vốn điều lệ thông qua các phương án phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…
Đầu tháng 10/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có báo cáo gửi Quốc hội cho biết, đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần gồm: Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM, Quân Đội, Đông Nam Á, Kỹ thương, Xuất Nhập Khẩu, Phương Đông, An Bình, Sài Gòn - Hà Nội, Bản Việt, Hàng Hải, Kiên Long, Nam Á, Á Châu, Quốc tế, Tiên Phong, Bưu điện Liên Việt, Bắc Á, Việt Á, Việt Nam Thương Tín, Quốc Dân, Việt Nam Thịnh Vượng.
Với 3 ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Vietcombank, VietinBank, BIDV), NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 và chỉ đạo Vietcombank, VietinBank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 19/9/2023, NHNN đã ban hành quyết định số 1788/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung mức vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)...
Cụ thể, vốn điều lệ của Vietcombank được ghi nhận là gần 55.891 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm hơn 8.565 tỷ đồng sau khi Vietcombank phát hành thành công 856.574.691 cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông.
Vietcombank đã ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động Vietcombank sửa đổi để cập nhật thông tin thay đổi về vốn điều lệ.
Ngày 6/10/2023, Vietcombank đã thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 16 để cập nhật nội dung thay đổi về vốn điều lệ theo phê duyệt của NHNN.
Các thay đổi nêu trên đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện công bố thông tin theo quy định.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo đã nhận được tài liệu báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo Báo cáo kết quả số 59/2023/BC-OCB ngày 27/9/2023 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (MCK: OCB).
Theo báo cáo, OCB đã phân phối xong 684.941.431 cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.
Đây là kế hoạch tăng vốn đã được ĐHĐCĐ của OCB năm 2023 thông qua và được NHNN chấp thuận vào ngày 5/6/2023.
Theo kế hoạch, OCB sẽ dùng 6.176 tỷ đồng trong tổng số tiền thu được từ tăng vốn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; còn 672 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.
HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, MCK: BID, sàn HoSE) vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ.
Theo đó, BIDV dự kiến phát hành tối đa gần 641,93 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành. Số cổ phiếu lẻ thập phân (nếu có) sẽ bị hủy bỏ.
Thời gian phát hành dự kiến trong quý IV/2023. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của BIDV là 10.072 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là 6.474 tỷ đồng.
Hiện, cơ cấu vốn tại BIDV gồm: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nắm giữ 80,99%; KEB Hana Bank, Co., Ltd đang nắm giữ 15%; còn lại cổ đông khác là 4,01%.
Dự kiến, NHNN sẽ nhận thêm gần 520 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành này.
Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV dự kiến sẽ tăng từ hơn 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.004,5 tỷ đồng.
Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, được phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả.
Trong đó, BIDV sẽ tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay vốn đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, an toàn, có phương án/dự án kinh doanh khả thi, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp FDI có tiềm năng phát triển; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh, tín dụng bán lẻ.
Tiếp tục đầu tư có hiệu quả trên thị trường; đầu tư và kinh doanh giấy tờ có giá, thực hiện đầu tư vào các đơn vị theo lộ trình; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; ở rộng, nâng cao chất lượng kênh phân phối hiện đại trong nước, khu vực và trên thế giới;...
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của BIDV cũng đã đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ bằng việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Ngoài ra, BIDV cũng tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo theo Phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022). Vốn điều lệ theo phương án này sẽ tăng thêm 4.552 tỷ đồng.
HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, MCK: SSB, sàn HoSE) vừa thông qua nghị quyết về việc phát hành 42 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2023 với giá 12.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tối đa là 420 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023, do HĐQT quyết định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đối tượng tham gia chương trình bao gồm là được mua là thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, cán bộ nhân viên của SeABank và các công ty con thỏa mãn các tiêu chí, điều kiện tại Quy định về phát hành cổ phiếu ESOP của SeABank.
Cán bộ quản lý, cán bộ nhân viên không đáp ứng một/một số hoặc các tiêu chí xét tham gia chương trình ESOP năm 2023 có thể được xem xét ngoại lệ dựa vào thâm niên làm việc, có thành tích/đóng góp đặc biệt, hiệu quả công việc...
Cán bộ nhân viên sở hữu cổ phiếu ESOP được phép chuyển nhượng tối đa 50% sau 1 năm và được chuyển nhượng 100% số sổ phiếu sau 2 năm kể từ thời điểm hoàn tất đợt phát hành.
Nếu thành công phát hành đợt cổ phiếu ESOP, vốn điều lệ của SeABank dự kiến sẽ tăng từ 24.537 tỷ đồng lên 24.957 tỷ đồng.
Trước đó, SeABank cũng phát hành 295,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông nhằm tăng vốn điều lệ; trong đó, phân phối tổng số 295.196.404 cổ phiếu cho 3.916 cổ đông, còn 3.569 cổ phiếu lẻ chưa được phân phối hết.
Ngoài ra, ngân hàng cũng phát hành 118,2 triệu cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 5,8%. Nguồn vốn phát hành từ thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm 31/12/2022 theo báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã kiểm toán.
Sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu trên, SeABank đã tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.143 tỷ đồng, lên mức 24.537 tỷ đồng.
Bạch Hiền (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/loat-ngan-hang-o-at-tang-von-khung-dip-cuoi-nam-2054744.htm