Mùa hè năm 2021, tại hội nghị Allen & Co. ở Idaho, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai dành lời khen cho Mark Zuckerberg khi nhắc tới bước đột phá công nghệ của đội ngũ trí tuệ nhân tạo Facebook. Đây chính xác là điều mà Zuckerberg thích nghe bởi nó cho thấy một sự ghi nhận.
Trước đây, Mark Zuckerberg vẫn thường bị gọi là ‘kẻ đạo nhái’, thành công nhờ sao chép ý tưởng của các công ty do chính mình mua lại. Nhóm truyền thông đã phải nỗ lực rất nhiều năm để xây dựng một hình ảnh hoàn toàn mới cho anh: Ông chủ sáng tạo.
Theo thông tin nội bộ, vấn đề duy nhất đối với Zuckerberg ở Idaho là ông không biết CEO Pichai đang nói đến bước đột phá nào. Zuckerberg thành lập nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Facebook vào năm 2013 và chiêu mộ ‘bố già AI’ Yann LeCun về quản lý. Anh cũng bắt đầu tìm kiếm những ý tưởng lớn lao hơn, chẳng hạn như truyền phát video, tiền số…và sau cùng là metaverse. Tầm nhìn này trọn vẹn đến mức Zuckerberg quyết định đổi tên công ty thành Meta Platforms vào năm 2021.
Theo tình hình hiện tại, vụ cá cược có vẻ đã thất bại. Meta mất khoảng 50 tỷ USD, song đến nay vẫn không rõ liệu người dùng có thực sự muốn sử dụng công nghệ này hay không.
Thực tế, hoạt động kinh doanh truyền thông xã hội cốt lõi của Meta vẫn sinh lời, song thời kỳ tăng trưởng như vũ bão đã qua từ lâu. Một số nhân viên phàn nàn về những khó khăn phải đối mặt, rằng bộ máy Meta khiến nhiều nhân tài không còn muốn cống hiến.
Như một sự gián tiếp ngầm thừa nhận những sai lầm, Mark Zuckerberg hiện coi AI là ưu tiên hàng đầu. Sau cuộc trò chuyện với Pichai, Zuckerberg đã quay trở lại trụ sở chính và yêu cầu nhóm nghiên cứu AI (FAIR) báo cáo toàn bộ công việc.
“Anh ấy đã tự học hỏi nhiều hơn”, Jerome Pesenti - cựu phó chủ tịch mảng trí tuệ nhân tạo của Meta cho biết.
Pichai không phải là người duy nhất ấn tượng với FAIR. Hầu hết các chuyên gia trong ngành đều coi Meta là một trong những công ty dẫn đầu về AI. Lúc đầu, Meta chỉ coi AI như một công cụ giúp Zuckerberg hướng tầm nhìn về metaverse, song sau khi ChatGPT được ra mắt vào năm 2022, công ty bắt đầu tập trung nhiều hơn vào AI sáng tạo.
“Thành công của Meta với AI tổng quát và các mô hình mở như Llama đã cho thấy nhiều điều”, một phát ngôn viên cho biết.
Đối với Meta, việc nhiều người có thể sử dụng phần mềm nguồn mở sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng trong công cuộc cạnh tranh với OpenAI, Microsoft và Google. Nếu mọi nhà phát triển phần mềm trên thế giới đều sử dụng công cụ của Meta, tập đoàn này sẽ có thể củng cố làn sóng đổi mới tiếp theo và ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn.
“Mã nguồn mở giúp bạn đi nhanh hơn. Bạn sẽ có một hệ sinh thái sôi động hơn, nơi mọi người có thể cùng tham gia, đóng góp”, Tiến sĩ LeCun nhận định.
Meta cho đến nay là tập đoàn Internet lớn nhất tại Mỹ được điều hành bởi một trong những người sáng lập. Zuckerberg giữ phần lớn cổ phần và nắm quyền đưa ra hầu hết các quyết định. Trong nội bộ, có một niềm tin bất diệt rằng cách duy nhất để Meta trở thành một công ty sáng tạo là Zuckerberg phải tự mình làm điều gì đó.
Sự tham gia của Zuckerberg đặc biệt đáng chú ý trong kỷ nguyên metaverse. Anh chú trọng cách Meta xử lý đồ họa avatar, đồng thời dành hàng giờ họp với các nhân viên bộ phận.
Cuối năm 2022, mọi thứ đè nặng lên vai Meta khi các sản phẩm xã hội tăng trưởng chậm lại. Nền kinh tế suy thoái, thị trường quảng cáo kỹ thuật số gặp khó khăn, phần vì sự thay đổi chính sách của Apple. Doanh thu hàng năm của Meta đã giảm lần đầu tiên với tư cách một công ty đại chúng. Cổ phiếu cũng bốc hơi 65% giá trị - mức tệ nhất từng được ghi nhận.
Vào tháng 11, Meta, giống như hầu hết các công ty công nghệ lớn, tuyên bố cắt giảm 11.000 việc làm, tương đương khoảng 13% lực lượng lao động. Ngày nói chuyện với nhân viên của mình qua video, Mark Zuckerberg trông như sắp khóc.
“Tôi biết điều này thật khó khăn và tôi thực sự xin lỗi những người bị ảnh hưởng”, Zuckerberg nói trong tuyên bố chính thức của mình. “Tôi đã sai và tôi chịu trách nhiệm về điều đó.”
Chỉ vài tuần sau thông báo của Zuckerberg, OpenAI ra mắt ChatGPT và tạo nên một cơn sốt AI toàn diện. Các công ty khởi nghiệp huy động hàng tỷ USD, trong khi các công ty liên quan đến AI như Nvidia ghi nhận cổ phiếu tăng trưởng vượt đỉnh. Microsoft, công ty đầu tư rất nhiều vào OpenAI, dường như đã bỏ xa rất nhiều đối thủ.
Sự quan tâm của công chúng đối với metaverse dần tan biến. Sự điên cuồng mà AI tạo ra khiến tầm nhìn thực tế ảo của Zuckerberg có vẻ lạc lõng.
Thật may, đằng sau hậu trường, bộ phận AI của Meta đã đạt được những tiến bộ đáng kể. FAIR được coi là đối thủ thực sự của OpenAI và DeepMind của Google.
“Về lâu dài, chúng tôi sẽ tập trung vào việc phát triển các nhân vật AI có thể giúp mọi người theo nhiều cách khác nhau”, ông chủ Meta nói, đồng thời cho biết công ty đang khám phá trải nghiệm AI với văn bản trong WhatsApp và Messenger.
Tuy nhiên, thứ mà Meta chưa phát triển là những sản phẩm rõ ràng được hỗ trợ bởi AI. Thay vào đó, công ty chủ yếu sử dụng AI để xếp hạng và đề xuất nội dung cho người dùng Facebook và Instagram, đồng thời giúp những nhà quảng cáo dự đoán hành vi khách hàng.
Mark Zuckerberg đang tăng tốc. Anh tạo ra một nhóm sản phẩm AI tổng hợp riêng biệt và luân chuyển 60 nhân viên FAIR, đầu thời bắt đầu gây áp lực nhiều hơn lên đội ngũ phát triển. Nhóm AI chuyên giải quyết các vấn đề như quyền riêng tư đã chuyển trọng tâm từ các câu hỏi đạo đức mở sang đảm bảo sản phẩm tuân thủ các quy tắc cơ bản trước khi phát hành.
Tuy nhiên, liên tục sắp xếp lại các ưu tiên khiến các nhân viên khó chịu. Tinh thần tại Reality Labs giảm mạnh, trong khi các thành viên làm việc cho Threads gần đây cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Khi Zuckerberg chuyển ưu tiên của FAIR sang nghiên cứu sản phẩm, một số thành viên cấp cao đã rời đi. Người ở lại đang cạnh tranh trực tiếp với Generative AI để giành lấy tài nguyên máy tính. Cuộc chiến đang rất khốc liệt.
“Đó là một bước đi rất thông minh đối với Meta, song ở một khía cạnh nào đó, họ đã đến muộn”, một chuyên gia nhận định.
Trong suốt năm 2023, Meta phát hành loạt tính năng AI. Công ty cũng ra mắt một loạt chatbot AI và mỗi chatbot lại có tính cách riêng, ưu nhược điểm riêng.
“Chúng tôi đã đầu tư vào trí tuệ nhân tạo trong hơn một thập kỷ qua và sở hữu một trong những viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới”, Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ Meta chia sẻ với tờ Nikkei. “Chúng tôi chắc chắn có một tổ chức nghiên cứu lớn, với quy mô lên tới hàng trăm người”.
Trước đó, đại diện Meta cũng công bố kế hoạch thương mại hóa AI độc quyền. Điều này đã được thực hiện bởi OpenAI - công ty sáng tạo nên ChatGPT, song ông Andrew Bosworth vẫn khẳng định Meta đang sở hữu công nghệ tiên tiến nhất.
“Chúng tôi rất tự tin rằng mình là người đi đầu”, ông nói. “Chúng tôi đã đi tiên phong khá nhiều kỹ thuật phát triển mô hình ngôn ngữ lớn và vừa thành lập một nhóm AI sáng tạo mới từ vài tháng trước. Đây có lẽ sẽ là lĩnh vực mà tôi, CEO Mark Zuckerberg và Giám đốc sản phẩm Chris Cox chú trọng trong thời gian tới”.
Chia sẻ với Nikkei, Bosworth tin rằng trí tuệ nhân tạo của Meta có thể cải thiện một phần hiệu quả của ‘cỗ máy’ quảng cáo bằng cách cung cấp các công cụ phù hợp. Cụ thể, thay vì sử dụng một hình ảnh duy nhất trong chiến dịch quảng cáo, các công ty có thể yêu cầu AI sáng tạo hình ảnh phù hợp với các đối tượng khác nhau. “Nó có thể giúp họ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc”, Andrew Bosworth nói.
Từ năm 2013. sau khi mời Yann LeCun về làm việc, Meta đã mở phòng thí nghiệm nghiên cứu AI. Công ty chỉ đứng sau Google nếu xét về số lượng trích dẫn trong các nghiên cứu lớn được công bố vào năm 2022, theo nền tảng phân tích nghiên cứu AI Zeta Alpha có trụ sở tại Hà Lan.
AI đang tạo ra cơn sốt trên toàn cầu, song vẫn tồn tại nhiều lo ngại, đặc biệt về khả năng kiểm soát của con người với trí tuệ nhân tạo. Dẫu vậy, với Bosworth, quan điểm ngừng phát triển trí tuệ nhân tạo là sai lầm.
“Tôi nghĩ việc đầu tư phát triển có trách nhiệm rất quan trọng và chúng tôi luôn đề cao điều đó. Bạn phải hiểu rõ công nghệ trước khi muốn chúng trở nên an toàn”, ông Bosworth nói.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh