Masayoshi Son bị lừa rót hàng triệu USD vào 1 mạng xã hội toàn người dùng ảo, nếm 'trái đắng' WeWork thứ 2

Masayoshi Son bị lừa rất nhiều lần.

Tháng 3/2022, bên bờ biển tại Maui, Quỹ Tầm nhìn của SoftBank dành nhiều lời khen cho một ứng dụng truyền thông xã hội. Nó được kỳ vọng sẽ trở thành Facebook tiếp theo, đồng thời được định giá hơn 1 tỷ USD, theo FT.

Serena Dayal đại diện quỹ cho biết SoftBank không nghĩ ngợi nhiều trước khi đầu tư vào IRL, song một số nhân viên thì không lạc quan đến vậy. Họ nghi ngờ nền tảng truyền thông xã hội này lừa đảo, làm giả số liệu người dùng để lôi kéo đầu tư.

“Chúng tôi chưa bao giờ nghe ai sử dụng ứng dụng này. Chúng tôi đã nói chuyện với bạn bè và chưa có ai từng sử dụng nó, vậy nên vô cùng thắc mắc”, một người chia sẻ.

15 tháng sau, IRL lặng lẽ đóng cửa sau khi thừa nhận gần như toàn bộ 20 triệu người dùng là giả mạo. Phía SoftBank khi đó mới vỡ lẽ và cho rằng IRL là một trò lừa đảo “tinh vi kéo dài nhiều năm” - một kế hoạch “được chuẩn bị vô cùng chặt chẽ”.

Tuy nhiên, theo founder IRL Abraham Shafi, SoftBank đã dựa vào những dữ liệu không thuyết phục để đóng cửa trang web sớm và tránh liên lụy. Mâu thuẫn gay gắt đã đặt ra câu hỏi về hoạt động thẩm định của SoftBank - tập đoàn vừa bị WeWork ‘lừa’ và lỗ hàng tỷ USD.

“Abraham Shafi khiến chúng tôi nhớ đến Adam Neumann của WeWork. Bạn đã hiểu tại sao giám đốc điều hành SoftBank lại sẵn sàng đầu tư vào nền tảng này rồi đấy”, một cựu nhân viên yêu cầu giấu tên cho biết.

Ra mắt vào năm 2018, IRL tự nhận mình như một nền tảng nhắn tin nhóm “thân mật” dành cho thế hệ gen Z. Shafi, nhà sáng lập, đã thu hút một loạt các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Thung lũng Silicon trước khi giành được sự tin tưởng của SoftBank - gã khổng lồ của vũ trụ đầu tư mạo hiểm.

‘Trái đắng’ của Masayoshi Son: Bị lừa rót hàng triệu USD vào 1 mạng xã hội toàn người dùng ảo, founder là một ‘Adam Neumann thứ hai’ - Ảnh 1.

Trong một tuyên bố hồi năm 2021, Shafi cho biết Son hào hứng đến mức đề nghị đầu tư 500 triệu USD và đề xuất gặp mặt trong vòng 48 giờ. Số tiền nhiều gấp 5 lần những gì vị founder này mong muốn.

Sau khi kiểm tra một số hội nhóm lớn trên IRL, người ta phát hiện ra một lượng đáng kể các tin nhắn ‘rác’ chỉ có 1 từ hoặc chứa những lời lẽ đơn giản. Hàng chục nghìn bức ảnh có sẵn giống hệt nhau cũng được gửi đi gửi lại trong thời gian dài.

Phía IRL khi đó đổ lỗi cho kỹ thuật.

Tháng 5 năm 2022, một cựu nhân viên phát hiện ra rằng gần như tất cả người dùng ở Mỹ đã đột ngột biến mất. Phát ngôn của các cựu giám đốc IRL khẳng định sự cố trên đã được điều tra. Nguyên nhân là do lỗi code.

Trong khi đó, Shafi vẫn đi rao giảng với truyền thông, rằng sứ mệnh của IRL là giúp “mọi người sống một cuộc sống tốt nhất”. Trước IRL, vị founder này từng thành lập một ứng dụng mang tên Gather nhằm giúp bạn bè lên kế hoạch cho các sự kiện xã hội. Theo các cựu nhân viên, một vài dấu hiệu cảnh báo đã được ghi nhận, chẳng hạn như IRL trả lương quá cao cho các nhà phát triển phần mềm. Nhiều nhà quản lý cấp cao cũng có quan hệ mật thiết với Shafi.

Mọi thứ bắt đầu sụp đổ chỉ sau một báo cáo của trang tin tức The Information về lượng người dùng IRL. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch SEC ngay lập tức điều tra công ty và yêu cầu công ty hầu tòa.

Vào năm 2023, hội đồng quản trị của IRL, trong đó có Dayal của SoftBank, đã thuê một công ty có tên Keystone kiểm tra cơ sở người dùng nền tảng. Kết quả cho thấy chỉ chưa đầy 5% trong số đó là người dùng thật. IRL đóng cửa ngay sau đó.

SoftBank kiện Shafi và một số người thân của ông, những người từng làm việc tại IRL và yêu cầu trả lại 150 triệu USD kèm bồi thường. Vụ kiện cáo buộc IRL thực hiện “một kế hoạch phức tạp nhằm lừa gạt các nhà đầu tư”.

‘Trái đắng’ của Masayoshi Son: Bị lừa rót hàng triệu USD vào 1 mạng xã hội toàn người dùng ảo, founder là một ‘Adam Neumann thứ hai’ - Ảnh 2.

Masayoshi Son và CEO WeWork Adam Neumann

Shafi và nhóm của mình đáp trả bằng cách cáo buộc SoftBank và các nhà đồng đầu tư liên tục “nói dối trắng trợn, thái quá” về IRL nhằm thu hồi số tiền mặt trị giá 40 triệu USD. Shafi thậm chí đang yêu cầu bồi thường thiệt hại vì bị cáo buộc phỉ báng.

Phía IRL khẳng định một báo cáo khác hoàn thành vào tháng 4/2023 cho thấy nền tảng có rất nhiều người dùng thực. Ít nhất có 17 triệu lượt đăng nhập vào IRL vào tháng 4/2023.

“Thay vì hỗ trợ IRL vượt qua khó khăn, SoftBank và các nhà đầu tư lại phá hủy danh tiếng công ty cũng như nhà sáng lập”, luật sư của IRL nói.

SEC hiện chưa đưa ra bất kỳ hành động pháp lý nào chống lại IRL. Bộ Tư pháp DoJ từ chối bình luận.

Được biết, IRL, startup trong lĩnh vực truyền thông mạng xã hội, được thành lập vào tháng 4/2021 với hy vọng trở thành một trong những ứng dụng truyền thông xã hội phát triển nhanh nhất dành cho Gen Z.

Tháng 5/2022, Softbank rót vốn 150 triệu USD vào IRL thông qua quỹ Vision Fund, mua 125 triệu USD cổ phiếu từ công ty và 25 triệu USD cổ phiếu từ những cổ đông nội bộ, bao gồm CEO Abraham Shafi, Noah Shafi và Yassin Aniss.

Tháng 4/2023, CEO Abraham Shafi bị đình chỉ chức vụ sau khi cuộc điều tra của SEC phanh phui số lượng người dùng thật của IRL. Theo hồ sơ tại toà, IRL đã bí mật tạo ra một “đội quân bot” để tạo nên vẻ bề ngoài cho một mạng xã hội mới nổi và lừa dối các nhà đầu tư.

Trước đó, SoftBank cũng nhiều lần mắc sai lầm trong quá khứ, trong đó phải kể tới khoản đầu tư vào sàn giao dịch tiền số FTX và công ty WeWork.

Theo: FT, CNBC

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/masayoshi-son-bi-lua-rot-hang-trieu-usd-vao-1-mang-xa-hoi-toan-nguoi-dung-ao-nem-trai-dang-wework-thu-2-2057759.htm