Chi nhánh Mercedes-Benz tại Hàn Quốc đang chật vật đối diện khủng hoảng sau sự cố hỏa hoạn gần 2 tuần trước. Vụ cháy xảy ra vào đầu tháng tại một khu chung cư ở Incheon, phía tây thủ đô Seoul, bắt nguồn từ bộ pin lithium của chiếc xe điện Mercedes-Benz. Khoảng 140 chiếc xe khác đã bị thiêu rụi. Gần 20 người bị thương.
Đối mặt với áp lực từ người dân và các chính trị gia về kế hoạch bồi thường, Mathias Vaitl, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Mercedes-Benz Hàn Quốc, đã đến hiện trường vụ việc vào tuần trước. Truyền thông địa phương đưa tin công ty này đã đề nghị hỗ trợ 4,5 tỷ won (3,36 triệu USD) cho những ai bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn.
Tuy nhiên, người dân đã từ chối lời đề nghị này vì cho rằng mức giá quá thấp. Lee Yong-woo, một nhà lập pháp đại diện cho khu vực xảy ra hỏa hoạn, đã tổ chức cuộc họp báo kêu gọi Mercedes-Benz Hàn Quốc hành động.
“Người dân trong khu chung cư này đã phải chịu thiệt hại đáng kể do vụ hỏa hoạn, bao gồm cả việc bị cắt điện và nước”, ông Lee cho biết. “Mercedes-Benz Hàn Quốc phải bồi thường đầy đủ và kịp thời cho những cư dân bị ảnh hưởng”.
Trước đó tại Hàn Quốc, các công ty nước ngoài bị cáo buộc bán sản phẩm không an toàn hoặc tham gia vào các hoạt động kinh doanh không phù hợp cũng đã phải đối mặt với sự chỉ trích và yêu cầu bồi thường. Hồi năm 2015, Tập đoàn Volkswagen Hàn Quốc đã vướng vào bê bối nghiêm trọng sau khi thừa nhận chủ đích cài phần mềm vào xe để né tránh thu thập giới hạn phát thải carbon.
Chính quyền Hàn Quốc đã phạt nhà sản xuất ô tô này hàng triệu USD, đồng thời yêu cầu thu hồi 125.522 xe. Công ty ngay lập tức dừng bán hầu hết các mẫu của mình tại Hàn Quốc vào thời điểm đó.
Reckitt Benckiser Group, một công ty có trụ sở tại Anh, cũng bị phát hiện bán chất khử trùng máy tạo độ ẩm gây ra các bệnh về phổi. Tổ chức này đã đấu tranh trong nhiều năm với các nạn nhân và gia đình của họ về số tiền bồi thường sau lời thừa nhận muộn màng về các hành vi sai trái.
Michael Breen, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty quan hệ công chúng Insight Communications có trụ sở tại Seoul, cho biết các doanh nghiệp nước ngoài nên chuẩn bị trước tinh thần nếu dính líu đến bê bối ở Hàn Quốc.
“Tôi khuyên các công ty nên nhận thức được tình cảm của công chúng, rằng họ cần phải xin lỗi, chấp nhận trách nhiệm và đề nghị bồi thường. Nếu không, người tiêu dùng chắc chắn sẽ quay lưng”, Breen nói với Nikkei Asia. “Điều quan trọng hiện nay đối với Mercedes-Benz là phải bồi thường. Phải có một cuộc điều tra để xác định xem ai thực sự có lỗi”.
Cảnh sát ở Incheon trước đó cho biết đang điều tra xác định nguyên nhân chính xác vụ việc. Chủ sở hữu chiếc xe nơi xảy ra hỏa hoạn đã được triệu tập với tư cách nhân chứng. Tất cả đang tìm cách xác định lý do tại sao hệ thống phun nước chữa cháy khu chung cư không tự động bật khi ngọn lửa bùng phát.
Hình ảnh do camera an ninh trước đó ghi lại cho thấy chiếc Mercedes đang đỗ trong tầng hầm, không cắm sạc, bỗng nhiên bốc cháy dù không có tác động gì từ bên ngoài. Vụ cháy bắt nguồn từ pin lithium đã làm dấy lên suy đoán về khả năng doanh số xe điện giảm. Uy tin Mercedes-Benz và các nhà sản xuất xe điện khác chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo Kim Jong-hoon, phó giáo sư khoa kỹ thuật điện tại Đại học Quốc gia Chungnam, “Có vẻ như danh tiếng của các nhà sản xuất xe điện sẽ không bị tổn hại vì vấn đề trong trường hợp này là ở pin. Các nhà sản xuất pin sẽ phải chịu tổn thất”.
Sau vụ cháy, Mercedes-Benz chỉ ra một thông báo ngắn gọn nói rằng rất lấy làm tiếc trước sự cố, đồng thời khẳng định sẽ lập tức kiểm tra kỹ lưỡng chiếc xe và phối hợp cùng các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong hơn 1 tuần sau đó, phía thương hiệu vẫn không có bất kỳ phản hồi gì trước những câu hỏi của truyền thông.
Phản ứng chậm chạp của Mercedes-Benz Hàn Quốc đang khiến nhiều người đặt dấu hỏi về năng lực xử lý khủng hoảng của công ty. Sự việc được cho là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu tại một thị trường ghi nhận sự tăng trưởng doanh số ổn định trong suốt nhiều năm.
Cư dân chung cư nơi xảy ra vụ hỏa hoạn đã thể hiện sự phẫn nộ trước sự thờ ơ của Mercedes-Benz Hàn Quốc. Họ cho rằng công ty đang cố né tránh trách nhiệm sau thông tin hệ thống vòi phun nước chữa cháy không hoạt động. Họ kỳ vọng công ty sẽ thể hiện sự thông cảm, sẻ chia bằng việc hỗ trợ cư dân ổn định cuộc sống sau vụ cháy.
Chia sẻ với hãng tin Yonhap qua điện thoại, một trong những cư dân ở khu chung cư bị ảnh hưởng bởi vụ cháy cho biết công ty có thể tiếp cận sự việc thuần túy dưới góc độ pháp lý.
“Chúng tôi lo ngại rằng Mercedes-Benz có thể sẽ đứng lên và nói, ví dụ kiểu, dù hơn 70 chiếc xe bị hư hỏng, nhưng đó có thể chỉ là 10 chiếc nếu hệ thống vòi phun nước hoạt động đúng chức năng”, người này cho biết.
Trước đó, nhiều người đồn đoán rằng chiếc xe bị cháy có thể sử dụng pin của CATL, nhà cung cấp pin xe điện hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, bất ngờ là cụm pin lại đến từ Farasis Energy, một công ty Trung Quốc.
Farasis Energy từng phải tiến hành một đợt triệu hồi lớn tại Trung Quốc vào năm 2021 do nguy cơ cháy pin. Ngoài ra, pin của Farasis Energy cũng chưa bao giờ được các cơ quan chức năng Hàn Quốc thử nghiệm an toàn.
C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn