‘Miền đất hứa’ công nghệ mới nổi ở châu Á: Rộng 1.400 ha, là ‘nhà’ của TSMC, thế giới phải học tập

Đây là là ‘nhà’ của khoảng 500 công ty công nghệ tên tuổi.

Lái xe khoảng một giờ đồng hồ về phía nam Đài Bắc, bạn sẽ có dịp đặt chân tới Công viên Khoa học Hsinchu rộng 1.400 ha - nơi vừa được mệnh danh là ‘miền đất hứa’ đối với kinh tế toàn cầu, vừa là ‘nhà’ của khoảng 500 công ty công nghệ tên tuổi. Nhà Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), Tập đoàn United Microelectronics (UMC), MediaTek… là một trong số đó.

“Khu công nghiệp chính là nỗ lực của Đài Loan nhằm xây dựng một ngành công nghiệp chủ đạo, đồng thời đào tạo lực lượng lao động, ươm mầm các công ty chủ chốt mới nổi”, Chris Miller, tác giả cuốn Chip War: Cuộc chiến vì công nghệ quan trọng nhất thế giới, cho biết. “Đó là sự kết hợp thực sự thú vị và thành công giữa các chương trình giáo dục và đào tạo, nơi các công ty có thể dễ dàng thành lập và tìm kiếm đối tác, công nhân lành nghề”.

Cho đến nay, TSMC đã sản xuất được rất nhiều những con chip tiên tiến độc quyền tại các nhà máy lớn. Việc mô hình được ‘bôi trơn’ tại quê nhà đã giúp hãng này thu về nhiều lợi nhuận, hơn hẳn hầu hết các nhà sản xuất chất bán dẫn khác.

“Đúng là việc sở hữu công nghệ sản xuất con chip 2 nanometer sẽ giúp doanh nghiệp trở thành người thay đổi cuộc chơi. Về quy mô sản xuất đủ lớn hiện nay, có lẽ chỉ TSMC đáp ứng được. Samsung đã rất gần sở hữu công nghệ này, nhưng chưa thể đáp ứng như TSMC. Cuộc đua đang rất quyết liệt. Họ đang muốn có những bản hợp đồng với những tập đoàn lớn như Qualcomm”, Giáo sư Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.

Đài Loan có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Các công ty sản xuất chip như TSMC và UMC hiện coi Apple, Nvidia và Qualcomm là khách hàng.

Phần còn lại của thế giới đang cố gắng học tập theo thành công của Đài Loan. Cả Mỹ và Nhật Bản, những cường quốc chip một thời, hiện cung cấp hàng tỷ USD trợ cấp cho hoạt động sản xuất chip trong nước, dù ở Arizona, Ohio hay tỉnh Kumamoto.

Morris Chang, người sáng lập TSMC, cho biết tại một sự kiện kỷ niệm 40 năm thành lập Công viên Khoa học Hsinchu vào tháng 12 năm 2020: “Nếu không nhờ Hsinchu cung cấp tất cả cơ sở hạ tầng và đất đai, rất nhiều công ty công nghệ khó có thể tồn tại”.

Tại Đài Loan, 1 nơi từng bị coi là ‘nghĩa địa’, nay trở thành ‘miền đất hứa’ công nghệ: Rộng 1.400 ha, là ‘nhà’ của TSMC, thế giới phải học tập - Ảnh 1.

Công viên Khoa học Hsinchu rộng 1.400 ha

Trong suốt nhiều năm qua, TSMC đã trở thành hãng sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới với tầm ảnh hưởng có thể làm rung động nền kinh tế toàn cầu. Việc ngày càng nhiều công nghệ cần sử dụng chip điện tử khiến tầm quan trọng của TSMC thêm lan rộng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung.

Công viên Khoa học Hsinchu hiện chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế Đài Loan. Các công ty mạch tích hợp ghi nhận doanh thu 363 tỷ USD vào năm 2022, trong đó hơn 75% đến từ hơn 500 công ty thuộc Hsinchu. (Để so sánh, tổng GDP của Đài Loan vào năm 2022 là khoảng 720 tỷ USD).

Trước đây, Hsinchu không sầm uất được như bây giờ. Thậm chí một số người còn gọi đây là ‘nghĩa địa’.

“Nếu bạn nhìn lại 20 năm về trước, không có trung tâm mua sắm, không có rạp chiếu phim. Chẳng có gì ở đó cả”, Lucy Chen, phó chủ tịch tiếp thị của Isaiah Research, cho biết. “Mỗi giây đều là tiền trong sản xuất. Nếu bạn mất thời gian, bạn sẽ mất tiền”.

Mỹ, Trung Quốc đại lục và Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào sản xuất chất bán dẫn trong nước. Đài Loan cũng cố gắng nhân rộng mô hình khu công nghiệp và ở đó, Hsinchu là trung tâm.

“Thành công sẽ tạo nên thành công”, tác giả Miller nói. “Hệ sinh thái càng lớn, càng sâu rộng thì các công ty càng dễ phát tài”.

Thời gian gần đây, khi nguồn cung thiết bị bán dẫn trên toàn cầu thiếu hụt, vai trò của Đài Loan trên thị trường ngày càng trở nên rõ ràng. Các quốc gia, trong đó có Mỹ, Đức, thậm chí phải tìm đến đây để giải quyết nút thắt trong hoạt động sản xuất con chip bán dẫn. Sự thiếu hụt này xuất phát từ việc nhu cầu thiết bị điện tử tăng cao trong đại dịch Covid-19 cũng như những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Theo các chuyên gia, hàng tồn kho tại các nhà sản xuất điện thoại thông minh và máy tính đang cạn kiệt và nhu cầu bổ sung dự kiến sẽ tăng. Fubon Securities trước đây đã bày tỏ lo ngại về triển vọng quý I/2024 của TSMC, song giờ đây tin rằng nhu cầu của Apple vẫn sẽ “ổn định trong ngắn hạn”.

Các nhà phân tích của KGI Securities kỳ vọng doanh số bán hàng trong quý đầu tiên năm nay của TSMC sẽ vượt mức trung bình của mùa thấp điểm. Mức tăng trưởng doanh thu cũng được kỳ vọng đạt trung bình 20% nhờ nhu cầu phục hồi và hàm lượng silicon được thúc đẩy bởi 5G và các ứng dụng điện toán hiệu suất cao.

Điều này cho thấy nền kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi nhất định bất chấp những thách thức như lạm phát, xung đột Nga-Ukraine… Tín hiệu cũng trấn an chính phủ Mỹ khi nước này đang chi hàng chục tỷ USD thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn, trong khi các đồng minh hỗ trợ phát triển toàn ngành bằng tiền hoặc cơ chế pháp lý.

Theo: Fortune, Reuters

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/mien-dat-hua-cong-nghe-moi-noi-o-chau-a-rong-1400-ha-la-nha-cua-tsmc-the-gioi-phai-hoc-tap-2059541.htm