Mối đe dọa mới đối với ngành công nghiệp chip: Đình công bất ổn

Nhiều công nhân đang đình công với một nỗi nhức nhối, rằng trong ngành công nghiệp chip đang ngày càng trở nên quan trọng kia, bao nhiêu phần trăm lợi nhuận sẽ dành cho họ?

Tháng này, Kim Jae-won, một trong số ít các công nhân nhận nhiệm vụ giám sát nhà máy điện tử của Samsung, đang đình công vô thời hạn cùng hàng ngàn đồng nghiệp ở Hàn Quốc. Họ nghỉ việc với một nỗi nhức nhối, rằng trong ngành công nghiệp chip đang ngày càng trở nên quan trọng kia, bao nhiêu phần trăm lợi nhuận sẽ dành cho người lao động?

Kim, là thành viên của công đoàn lao động, đã yêu cầu tăng lương và phúc lợi, trong lúc Samsung đang chi khoảng 45 tỷ USD cho hai nhà máy sản xuất mới và 1 cơ sở đóng gói chip ở Texas. Không biết liệu mong muốn của Kim có thành hiện thực hay không?

Samsung cho biết cuộc đình công sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại ba cơ sở sản xuất ở Hàn Quốc. Hãng cũng sẽ tiếp tục đảm bảo không có bất kỳ sự gián đoạn nào xảy ra.

“Chúng tôi hy vọng tình hình có thể được giải quyết sớm nhất có thể”, một phát ngôn viên của Samsung cho biết.

Kim, 24 tuổi, là kỹ sư chịu trách nhiệm phát hiện lỗi thiết bị và thay thế linh kiện. Các nhà máy của Samsung hoạt động suốt ngày đêm, sản xuất loại chip được sử dụng trong các sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tính và máy chủ dữ liệu. Kim cho biết một ca làm việc điển hình kéo dài 8 tiếng thường liên quan đến 5 vấn đề bảo trì trở lên.

“Công ty nói rằng có mức độ tự động hóa cao, nhưng trên thực tế, nếu không có kỹ sư bảo trì làm việc, hàng chục lỗi có thể xảy ra trong quy trình sản xuất chip”.

Mối đe dọa mới đối với ngành công nghiệp chip: Đình công bất ổn- Ảnh 1.

Hàng trăm tỷ USD đầu tư trên toàn cầu đang đổ vào ngành công nghiệp bán dẫn. Mỹ và các đồng minh coi đây là một ngành công nghiệp chiến lược, tạo động lực cho nhu cầu của người lao động về chế độ đãi ngộ tốt. Doanh thu hàng năm của ngành này dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 1 nghìn tỷ USD vào cuối thập kỷ.

Những cuộc đấu tranh tương tự đã diễn ra trong ngành công nghiệp ô tô. Năm 2023, Mỹ đã trải qua khoảng 470 cuộc đình công liên quan đến khoảng 540.000 công nhân, gấp đôi số lượng tham gia vào năm trước, theo thống kê tại Trường Quan hệ Công nghiệp và Lao động Đại học Cornell.

Trước đây, hầu hết các trung tâm bán dẫn trên thế giới đều không có công đoàn. Mọi thứ thay đổi khi vào năm 2019, công đoàn Samsung lên tiếng đại diện cho khoảng 25% trong số 125.000 công nhân. Năm 2020, người đứng đầu Samsung Lee Jae-yong đã phải lên tiếng xin lỗi vì các hoạt động phản đối công đoàn trong quá khứ.

Tại cuộc biểu tình, hàng loạt thành viên công đoàn mặc áo mưa đen, giơ nắm đấm và hô to “đình công toàn diện”. Một cuộc đình công kéo dài cũng được thực hiện vào tháng 6.

Đầu tháng này, hơn một chục nhân viên tại một nhà máy ở Analog Devices, Oregon, cũng tổ chức biểu tình kêu gọi điều kiện làm việc an toàn cùng mức lương tối thiểu 27 USD/giờ. Đại diện công ty cho biết họ tôn trọng quyền bày tỏ quan điểm của nhân viên và muốn giải quyết mối quan ngại này.

Carl Kennebrew, chủ tịch bộ phận công nghiệp của liên đoàn, đã chỉ ra sự gián đoạn ở Hàn Quốc và kêu gọi các công ty Mỹ nhận tiền từ chính phủ liên bang phải đạt được các thỏa thuận lao động. Vào tháng 5, công đoàn bắt đầu đàm phán với Micron Technology về một thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn tại các nhà máy mới ở New York và Idaho. Phía Micron cho biết họ tôn trọng quyền thành lập công đoàn của công nhân.

Quay trở lại với Samsung.

Công đoàn, chưa tiết lộ mức lương hiện tại của các thành viên, đang kêu gọi tăng lương cơ bản trung bình 3,5%, thêm một ngày nghỉ phép và chính sách nhận thưởng. Samsung cho biết họ đã đàm phán mức lương với hội đồng lao động và đưa ra các điều khoản tương tự cho thành viên công đoàn.

Những người đình công đặc biệt nhắm vào các dây chuyền sản xuất cũ, chẳng hạn như dây chuyền ở thành phố Kiheung. Tỷ lệ hoạt động tại dây chuyền sản xuất tấm wafer 8 inch của cơ sở Kiheung đã giảm từ 80% xuống còn 18% sau tuần đầu tiên diễn ra đình công.

Không có dữ liệu độc lập về sản xuất. Jang Young-jae, giáo sư về kỹ thuật hệ thống bán dẫn tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc, cho biết một nhà máy sản xuất chip có thể hoạt động với số lượng nhân viên ít hơn trong vài tuần bằng cách bỏ qua các công việc như bảo trì thường xuyên. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn là sẽ chịu tác động.

Kang Kee-uk, kỹ sư bảo trì thiết bị đã làm việc 11 năm tại một trong những dây chuyền sản xuất chip nhớ DRAM của Samsung, cho biết ban quản lý coi những đóng góp của công nhân là tối thiểu.

“Công ty luôn bảo chúng tôi phải tự hào, nhưng điều đó thật khó thực hiện”, Kang nói.

Trong lịch sử gần 50 năm của mình, Samsung hầu như không phải đối diện với các cuộc đình công lớn do phản đối việc thành lập công đoàn. Chính sách này đến từ nhà sáng lập Lee Buyng Chul, vốn đã qua đời vào năm 1987.

Đình công lao động ở Hàn Quốc không phải là hiếm. Trước đó hồi tháng 2, hơn 10.000 bác sĩ cũng nghỉ việc để thể hiện sự bất bình với kế hoạch tăng số lượng sinh viên y khoa được nhận học của chính phủ. Mùa xuân năm ngoái, hàng ngàn công nhân xây dựng cũng biểu tình phản đối chính sách lao động của đất nước.

Theo: The New York Times, WSJ

Vũ Anh

Cộng tác viên

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/moi-de-doa-moi-doi-voi-nganh-cong-nghiep-chip-dinh-cong-bat-on-205242607141929869.htm