Từ năm 2022, thị trường bất động sản đã rơi vào trầm lắng kéo dài. Trong năm qua, Chính phủ, Bộ ngành và các địa phương liên tục tháo gỡ, theo đó thị trường bất động sản xuất hiện những tín hiệu tích cực. Thanh khoản cũng đã dần cải thiện, song vẫn ở mức thấp.
Khó kiếm tiền hơn giai đoạn thị trường sôi động, nhiều môi giới bất động sản đã bỏ nghề. Tuy nhiên, những môi giới bám trụ lại vẫn khá "chật vật" để tìm kiếm giao dịch thành công.
Trải qua thời gian xoay sở tìm kiếm khách hàng, thời điểm cận Tết Nguyên đán một số môi giới bất động sản "vỡ òa" khi bất ngờ có giao dịch. Anh Nguyễn Hợp, môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, giai đoạn đầu năm 2023, thị trường gần như đứng hình, hầu hết các môi giới đều không có giao dịch. Đến giữa năm, thị trường đã có những tín hiệu tích cực hơn nhưng lượng giao dịch vẫn ở mức thấp.
"Năm qua vẫn là một năm buồn của nhiều môi giới bất động sản. Nửa đầu năm gần như tôi chỉ ngồi chơi xơi nước, dùng tiền tích lũy để duy trì với nghề. Khoảng từ tháng 7 - 11 tôi được 2 giao dịch thành công. Nói chung, phí hoa hồng cũng khó đủ chi tiêu tại Thủ đô.
Đến cuối tháng 1 vừa qua, tôi như vỡ òa khi có thêm một giao dịch chung cư trị giá 3,5 tỷ đồng. Hoa hồng được khoảng 50 triệu đồng, chủ nhà ứng trước cho tôi 30 triệu đồng để về ăn Tết, còn lại sẽ trả sau. Thực sự, khi khách đặt cọc mua căn chung cư này tôi cảm thấy còn vui hơn khi sốt đất!", anh Hợp nói.
Người môi giới này cho biết thêm, mặc dù nhu cầu thực vẫn rất lớn, song giá nhà tại nội đô tăng cao khiến người mua cảm thấy đắn đo khi xuống tiền. Theo đó, nhiều môi giới bất động sản cũng bị đẩy vào thế khó và không có giao dịch.
Tương tự, anh Lê Trung Mạnh, môi giới đất nền tại vùng ven Hà Nội chia sẻ, sau một thời gian khoảng 3 tháng "ngồi chơi xơi nước", cách đây 1 tuần, anh giao dịch thành công 2 lô đất nền với tổng giá trị 4 tỷ đồng.
"Nhiều môi giới bất động sản đã bỏ nghề vì không có giao dịch. Tôi vẫn cố bám trụ chờ ngày thị trường sôi động hơn. Thêm giao dịch sát Tết tôi rất vui, nhưng trước đó cũng vất vả mấy tháng chạy theo khách hàng. Hoa hồng không nhiều nhưng có thêm tiền để về sắm sửa ngày Tết", anh nói.
Theo anh Vũ Thành Trung, chủ một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, thông thường thời điểm cuối năm là lúc môi giới làm ăn tốt, song ở 2 năm gần đây lại khó khăn.
"Mọi năm làm ăn tốt, môi giới họ nghỉ Tết từ 15 âm lịch. Nhưng năm nay, nhiều người dự định vẫn cố trực dự án, dẫn khách đi xem tới những ngày sát Tết mong muốn vớt vát được giao dịch. Hiện tại nếu có giao dịch chủ yếu sẽ ở các phân khúc phục nhu cầu thực, song giá bán liên tục tăng cao khiến môi giới cũng rất khó chốt đơn", anh Tùng nói.
Thực tế, thị trường vẫn trong tình trạng kém giao dịch khiến các doanh nghiệp bất động sản và sàn môi giới rơi vào khó khăn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phải đóng cửa, phá sản.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, năm 2023, thị trường chứng kiến sự "ra đi" của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, "sống bằng niềm tin" thị trường bất động sản sẽ khôi phục.
Tâm Nguyên
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/moi-gioi-bat-dong-san-vo-oa-khi-bat-ngo-co-giao-dich-vao-phut-chot-vui-hon-ca-luc-sot-dat-2059262.htm