GDP thực tế của Việt Nam tăng 5,66% so với cùng kỳ trong Quý 1 năm 2024, kéo dài mức tăng 6,72% so với cùng kỳ trong Quý 4 năm 2023 và vượt xa mức tăng 3,41% trong Quý 1 năm 2023, đây là kết quả quý 1 tốt nhất từ năm 2020 đến năm 2023. Kết quả khả quan vào đầu năm 2024 tạo ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay, sau một năm 2023 đầy thử thách.
Cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều hỗ trợ tốt cho hoạt động kinh doanh, đồng thời, hoạt động ngoại thương cũng cho kết quả tốt trong Quý 1 năm 2024 và đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2021. Doanh số ngành bán dẫn tăng lên kể từ giữa năm 2023 cho thấy xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong các quý tới.
Với kết quả hoạt động Quý 1 năm 2024 đạt được như kỳ vọng và tạo ra một khởi đầu tích cực cho năm, chúng tôi đánh giá triển vọng cho năm 2024 vẫn tích cực mặc dù các rủi ro vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột trên thế giới có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại và thị trường năng lượng/hàng hóa toàn cầu.
Tuy nhiên, sự phục hồi nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực cũng như việc các ngân hàng trung ương lớn có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ hỗ trợ cho triển vọng này. UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6,0% cho năm 2024 so với mục tiêu tăng trưởng từ Chính Phủ là 6,0-6,5%.
Một động lực chính dẫn đến kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong Quý 1 năm 2024 là hoạt động ngoại thương, với cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm như điện tử và điện thoại. Doanh số ngành bán dẫn tăng lên kể từ giữa năm 2023 cho thấy xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong các quý tới.
Bất chấp xung đột trên thế giới, xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng 17% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu tăng 13,9% trong Quý 1 năm 2024, dẫn đến thặng dư thương mại 8,08 tỷ USD. Đây là một cú lội ngược dòng mạnh mẽ sau khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trong hầu hết năm 2023, dẫn đến mức giảm lần lượt là 5% và 9% trong cả năm 2023.
GSO cho biết xuất khẩu hàng điện tử tăng 30% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu điện thoại thông minh tăng 10% và hàng may mặc tăng 7,9% trong quý. Dựa trên dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2024, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28% thị phần, tiếp theo là Trung Quốc đại lục (14% thị phần), Hàn Quốc (7%) và Nhật Bản (6%). Cơ cấu này tương tự như năm 2023, với việc Mỹ chiếm 27% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, tiếp theo là Trung Quốc đại lục (17%) và Hàn Quốc (dưới 7% tổng thị phần).
Về mặt nhập khẩu, Trung Quốc đại lục là nguồn cung lớn nhất trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2, với thị phần áp đảo 36%, so với Hàn Quốc (15% thị phần), Nhật Bản (7%), khu vực Đài Loan - Trung Quốc (6%) và Mỹ (4%). Nói cách khác, nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục đã lớn hơn tổng lượng nhập khẩu từ 4 thị trường lớn kế tiếp. Nhìn vào dữ liệu hàng năm, Trung Quốc đại lục là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2014, ở mức 110,7 tỷ USD vào năm 2023, tương đương khoảng 34% tổng lượng nhập khẩu.
Tiếp theo là Hàn Quốc (52,4 tỷ USD), Nhật Bản (21,6 tỷ USD), Đài Loan - Trung Quốc (18,4 tỷ USD). Tương tự, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục vào năm 2023 nhiều hơn tổng lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan - Trung Quốc cộng lại. Lượng nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục đã tăng hơn 2,5 lần kể từ năm 2014, với tốc độ nhanh hơn nhiều so với Hàn Quốc (2,4 lần), Nhật Bản và Đài Loan - Trung Quốc (khoảng 1,7 lần cho cả hai).
Nối dài đà tăng trong năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong Quý 1 năm 2024. Dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ so với mức 5,4 tỷ USD trong Quý 1 năm 2023. S
Singapore là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất với 2,6 tỷ USD hay 42% thị phần, tiếp theo là Đặc khu hành chính Hồng Kông - Trung Quốc (1,1 tỷ USD), Trung Quốc đại lục (0,6 tỷ USD), Nhật Bản (0,5 tỷ USD) và Hàn Quốc (0,4 tỷ USD). Như trong Quý 1 năm 2023, lĩnh vực sản xuất và chế biến chiếm phần lớn đầu tư trong Quý 1 năm 2024 với 64% thị phần, tiếp theo là bất động sản (32%) và bán buôn & bán lẻ (3%).
Dòng vốn FDI thực hiện (hoặc giải ngân) vào Việt Nam lên tới 4,6 tỷ USD trong Quý 1 năm 2024, cao hơn 6% so với cùng kỳ so với 4,3 tỷ USD trong Quý 1 năm 2023. Dòng vốn FDI thực hiện vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 23,2 tỷ USD vào năm 2023, vượt qua kỷ lục trước đó là 22,4 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, dòng vốn FDI đăng ký trong năm 2023 tăng 32% lên 36,6 tỷ USD từ 27,7 tỷ USD năm 2022, gần bằng mức cao kỷ lục 38 tỷ USD vào năm 2019.
Minh Tiến
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/mot-chi-so-kinh-te-quan-trong-cua-viet-nam-loi-nguoc-dong-tang-vot-trong-quy-12024-20512070.htm