Một sản phẩm liên quan trực tiếp đến an ninh an toàn nhưng 90% hàng người Việt đang sử dụng có xuất xứ từ Trung Quốc

Một vật dụng đang rất phổ biến tại Việt Nam được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.

Một sản phẩm liên quan trực tiếp đến an ninh an toàn nhưng 90% hàng người Việt đang sử dụng có xuất xứ từ Trung Quốc- Ảnh 1.

Theo Tổng cục Hải quan, thị trường Việt Nam hiện có từ 10-15 triệu thiết bị camera giám sát đang hoạt động. Trong khi đó, ước tính thị trường Việt Nam sẽ cần 100 - 150 triệu camera. Như vậy, số camera hiện có mới chiếm khoảng 10 - 15% nhu cầu thị trường.

Camera giám sát không chỉ được sử dụng tại các hộ gia đình mà còn là thành phần quan trọng trong hệ thống Chính phủ điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh, giúp giám sát giao thông, an ninh trật tự…

Tọa đàm "Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát" của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) diễn ra vào 22/5/2024 cho biết, tại Việt Nam, có tới 90% camera giám sát xuất xứ từ Trung Quốc theo đường chính ngạch và tiểu ngạch. Thậm chí, một số dòng camera hoạt động theo cơ chế cloud, kết nối về server đặt tại Trung Quốc và người dùng ở Việt Nam phải "vòng" qua server này trước khi kết nối vào camera của mình.

Không riêng gì ở Việt Nam, Trung Quốc cũng thống lĩnh thị trường camera giám sát trên toàn cầu. Theo công ty nghiên cứu thị trường Custom Market Insights, những công ty đến từ Trung Quốc như Hikvision, Dahua hay Zhejiang Uniview Technologies đang nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường camera an ninh, giám sát trên toàn thế giới.

Giám sát giám sát được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm sản xuất, ngân hàng, dịch vụ tài chính, vận tải và bán lẻ. Đáng chú ý, camera giám sát đang được rất nhiều gia đình sử dụng.

Trên thực tế, chiếc camera trông đơn giản, nhỏ bé nhưng là một thiết bị phức tạp, gồm phần quang, phát sóng - Wi-Fi và mạng LAN. Với 2 giao diện mạng như vậy, camera có thể thành thiết bị để thu thập thông tin. Một camera đặt trong nhà, sẽ giống như máy tính có hệ điều hành, có ghi âm, có hình ảnh. Do đó, nếu có lỗ hổng, thiết bị camera hoàn toàn có thể khiến thông tin bị lọt lộ ra ngoài.

Các cách đơn giản nhận biết camera trong nhà bị hack như: Tiếng động khác thường phát ra từ camera, góc quay camera bị thay đổi, đèn LED trên camera nhấp nháy, camera tự bật lên sau khi đã tắt, các thiết lập cài đặt camera bị thay đổi, không truy cập được vào camera dù đã nhập đúng mật khẩu, lưu lượng dữ liệu di động hay lưu lượng truy cập mạng thay đổi bất thường.

Theo đó, để bảo vệ camera giám sát, cần bảo mật mạng Internet mà camera kết nối, đặt mật khẩu mạnh bảo mật cho hệ thống camera giám sát an ninh và bảo mật camera an ninh bằng cách chỉ xem nội bộ mạng LAN.

Hiện nay, Cục An toàn thông tin đang phối hợp với các doanh nghiệp, các chuyên gia để xây dựng 'Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát'. Dự kiến quy chuẩn sẽ được ban hành trong năm 2024.

Khi có quy chuẩn, các camera được sản xuất tại Việt Nam và camera nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ buộc phải được kiểm định, đánh giá, được chứng nhận hợp quy, đáp ứng các yêu cầu mới được đưa ra thị trường, cung cấp cho người sử dụng Việt Nam.

Dù việc áp dụng các yêu cầu trong bộ tiêu chí mới ban hành là không bắt buộc, tuy nhiên, Cục An toàn thông tin vẫn khuyến nghị để đảm bảo an toàn cho thông tin, dữ liệu của mình; các tổ chức, cá nhân cần rà soát, có lộ trình để sớm thay thế camera không an toàn. Đặc biệt, với những camera nhận thấy có nguy cơ cao, người dùng cần có kế hoạch thay thế sớm nhất có thể.

Minh Tiến

Cộng tác viên

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/mot-san-pham-lien-quan-truc-tiep-den-an-ninh-an-toan-nhung-90-hang-nguoi-viet-dang-su-dung-co-xuat-xu-tu-trung-quoc-205241507164935433.htm