Trên cơ sở bình chọn của các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan báo chí ngành Tài chính, Bộ Tài chính công bố nhiều sự kiện nổi bật ngành Tài chính năm 2023.
Quản lý điều hành chính sách tài khóa mở rộng, hiệu quả
Đầu tiên phải kể đến quản lý điều hành chính sách tài khóa mở rộng, hiệu quả. Năm 2023, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, hàng loạt chính sách đã kịp thời được ban hành và đi vào cuộc sống hiệu quả, tiêu biểu là chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Có thể kể đến một số chính sách hỗ trợ tài chính tiêu biểu như: giảm thuế GTGT, Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu mỡ nhờn, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023,...
Chuyển đổi số, hướng tới nền tài chính thông minh
Năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp (từ 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index với kết quả Chỉ số cải cách hành chính đạt 89,76%. Về chỉ số cải cách tài chính công, Bộ Tài chính tiếp tục là một trong số các bộ dẫn đầu, đạt tỷ lệ trên 96%.
Với việc xác định “đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số” là một trong các đột phá trong “Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030”, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi bám sát chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp như lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc.
Trong công tác quản lý thuế, năm 2023 đã tiếp tục tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số, điện tử hóa công tác quản lý thuế.
Quản lý nợ công chặt chẽ, hiệu quả
Cũng theo Bộ Tài chính, quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Mức dư nợ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm BB là 52,8% GDP và BBB là 54,9% GDP.
Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 71% dư nợ Chính phủ góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Nợ trong nước chủ yếu là TPCP có kỳ hạn phát hành dài, giảm thiểu rủi ro vay đảo nợ. Kỳ hạn phát hành bình quân TPCP khoảng 12,4-12,5 năm, đảm bảo mục tiêu từ 9-11 năm theo Nghị quyết của Quốc hội số 23/2021/QH15 về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Lãi suất phát hành TPCP được điều hành thận trọng, đảm bảo phối hợp hài hòa với điều hành chính sách tiền tệ. Lãi suất phát hành bình quân cả danh mục TPCP dự kiến năm 2023 khoảng 3,3%/năm, giảm 0,18 điểm phần trăm so với mức năm 2022 trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn duy trì xu hướng tăng.
Đáng chú ý, nợ nước ngoài giảm dần trong cơ cấu vay của Chính phủ. Danh mục nợ nước ngoài hiện hành chủ yếu vẫn là các khoản vay kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi; góp phần tăng tính bền vững trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh trên toàn cầu.
Hoàn thiện pháp luật và giảm nhiều khoản phí, lệ phí khi thực hiện điều hành dịch vụ công trực tuyến
Cũng trong năm 2023 (Tính đến ngày 26/12/2023), Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 1 Luật, 1 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 19 Nghị định và đang xem xét ban hành 15 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 64 Thông tư.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 giảm một số khoản phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, kể từ ngày 1/12/2023 đến hết 31/12/2025 sẽ có 8 khoản phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến với mức giảm từ 10-50%. Theo ước tính, số ước lượng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện chính sách này khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Thuế tối thiểu toàn cầu
Một sự kiện khác của ngành tài chính nổi bật trong năm 2023 là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu.
Cụ thể, ngày 29/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là một bước đi cần thiết và với việc áp dụng từ ngày 01/01/2024, Việt Nam khẳng định vị thế và quyền đánh thuế của quốc gia, góp phần tăng nguồn thu cho NSNN từ phần thu thuế bổ sung, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế và cải cách hệ thống thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đó, Việt Nam sẽ áp dụng 2 quy định: Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu IIR áp dụng đối với các Tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và Quy định thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn QDMTT áp dụng đối với các Tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Phát hiện, bắt giữ thành công nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy với số lượng lớn
Ngoài ra, trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã bắt giữ, xử lý gần 16 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, với trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 12,5 nghìn tỷ đồng; trong đó có nhiều vụ tiêu biểu, như: thu giữ trên 65.000 lít dầu D/O, FO và xăng các loại, 8,3 tấn ngà voi, 37 kg sừng tê giác, 2,8 tấn ma túy các loại... Cơ quan hải quan đã khởi tố 40 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ.
Bạch Hiền
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/mot-so-su-kien-noi-bat-nganh-tai-chinh-nam-2023-2059193.htm