Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số tỉnh miền núi phía bắc; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; đại diện một số doanh nghiệp.
Tại hội nghị, tỉnh Lạng Sơn công bố nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024; giới thiệu tổng quan về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục dự án ưu tiên đầu tư; những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và một số sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, chủ lực, sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để cụ thể hóa các mục tiêu phát triển trong quy hoạch tỉnh, ngay tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư năm 2024, tỉnh Lạng Sơn đã trao 14 chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đăng ký là 18.602 tỷ đồng, 9 bản ghi nhớ đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng mức đăng ký dự kiến 21.527 tỷ đồng.
Quy hoạch tỉnh xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030, xây dựng Lạng Sơn trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía bắc, là "cầu nối" ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu; có xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc.
Quy hoạch xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng (công nghiệp, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản) và các ngành, lĩnh vực khác.
Quy hoạch xác định 4 khâu đột phá phát triển của Lạng Sơn, gồm: (i) Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế; (ii) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh; (iii) Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (iv) Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Về phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, Quy hoạch định hướng phát triển theo mô hình: 1 trục phát triển, 2 hành lang kinh tế và 3 vùng kinh tế - xã hội.
Một trục phát triển là: Trục phát triển kinh tế Đồng Đăng - Hữu Lũng gắn với hành lang kinh tế Bắc - Nam chạy dọc theo tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị qua thành phố Lạng Sơn mở rộng, các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, kết nối với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội.
Hai hành lang kinh tế gồm: Tuyến hành lang kinh tế Cao Lộc (thuộc thành phố Lạng Sơn mở rộng) - Văn Lãng - Tràng Định (dọc theo tuyến Quốc lộ 4A, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, kết nối với tỉnh Cao Bằng); tuyến hành lang kinh tế thành phố Lạng Sơn mở rộng - Lộc Bình - Đình Lập (dọc theo Quốc lộ 4B, cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên, kết nối vùng kinh tế phía đông tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh).
Ba vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng kinh tế động lực gồm thành phố Lạng Sơn mở rộng, huyện Chi Lăng, huyện Hữu Lũng; vùng kinh tế phía đông gồm các huyện Lộc Bình, Đình Lập; vùng kinh tế phía tây gồm các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định.
Nhã Mi
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/mot-tinh-mien-nui-sap-don-dong-von-dau-tu-hon-40000-ty-dong-20513162.htm