Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán với kết quả lỗ sau thuế lên đến 1.129 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi gần 642 tỷ đồng trong năm 2022. Nguyên nhân cho khoản lỗ lớn của VICEM chủ yếu đến từ việc doanh thu đã giảm mạnh trong năm vừa rồi.
Theo đó, trong năm 2023, doanh thu thuần của VICEM đạt hơn 24.006 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022. Trừ đi giá vốn, VICEM lãi gộp 1.923 tỷ đồng, giảm 47% so với năm trước, biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,2% xuống còn 8%.
Ngoài ra, việc chi phí tài chính tăng mạnh 47% lên 796 tỷ đồng và khoản lỗ 130 tỷ từ công ty liên doanh, liên kết cũng góp phần khiến VICEM lỗ nặng 1.129 tỷ đồng trong năm 2023.
Năm 2023, đầu tư công được kỳ vọng là cú hích cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp liên quan nói riêng, trong đó có ngành xi măng. Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 cao hơn 0,15% về tỷ lệ, cao hơn 123.311,7 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, theo báo cáo ngành xi măng 2023 – VIRAC, tình hình ngành xi măng tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tình hình tiêu thụ nội địa xi măng giảm 8,1% so với năm 2022, đặc biệt tại miền Bắc giảm tới 10%. Động lực sản xuất của các doanh nghiệp sụt giảm khi giá bán nội địa vẫn ở vùng giá yếu, thị trường cạnh tranh khốc liệt trong khi áp lực chi phí gia tăng.
Tổng tiêu thụ xi măng trong nước đạt 57,5 triệu tấn, giảm khoảng 9,4% so với năm 2022. Năm 2023 là năm đầu tiên đạt sản lượng tiêu thụ giảm với sản lượng dưới 60 triệu tấn. Đây được đánh giá là mức giảm tiêu thụ sâu nhất trong suốt 10 năm gần đây.
Theo ximang.vn, PGS.TS Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, giai đoạn này, ngành Xi măng đang chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ xi măng của nền kinh tế trong nước kém. Giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng, có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần; năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5%... Mặt khác, doanh nghiệp xi măng trong nước đang phải chịu bất lợi khi thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, từ ngày 01/01/2023, không được áp dụng luật thuế giá trị gia tăng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, VICEM có 17 công ty con sở hữu trực tiếp, trong đó 5 công ty thuộc diện sẽ thoái toàn bộ vốn theo Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Xi măng Việt Nam giai đoạn 2021-2025; 4 công ty con sở hữu gián tiếp và 10 công ty liên kết.
Tổng tài sản của VICEM đạt hơn 36.800 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt 4.642 tỷ đồng. Nợ phải trả của Tổng công ty ở mức 17.262 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ vay là 9.220 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của VICEM tính đến ngày 31/12/2023 là 2.240 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, tại ngày 31/12/2023, nợ ngắn hạn VICEM vượt quá tài sản ngắn hạn là 5.197 tỷ đồng (tại ngày 01/01/2023 là 5.031 tỷ đồng), thể hiện các khó khăn về tài chính và khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn trả tại một số công ty con của Tổng công ty.
Trong đó, một số công ty con thuộc diện giám sát theo các quyết định của Hội đồng thành viên VICEM, bao gồm: Vicem Tam Điệp, Vicem Sông Thao và Xi măng Hạ Long. Các công ty nêu trên có số dư lỗ lũy kế trong nhiều năm và nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2023 là 6.513 tỷ đồng (tại ngày 01/01/2023 là 6.129 tỷ đồng).
Ví dụ như Vicem Tam Điệp, năm lỗ 65,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2023 là 1.127 tỷ đồng.
Còn Xi măng Hạ Long, theo VTV cho biết, cả xuất khẩu lẫn bán trong nước của doanh nghiệp đều đang liên tục giảm sâu. Năm 2023 giảm 20%, quý 1 năm nay giảm 25%. Tình hình quý 2 này nếu không được cải thiện thì sang quý 3, nguy cơ sẽ phải dừng hoạt động toàn nhà máy.
VICEM đã rót 2.770 tỷ vào các dự án đang đầu tư. Trong đó, đã chi 773 tỷ vào dự án Trung tâm Điều hành và giao dịch VICEM; 538 tỷ vào dự án đường B.O.T Phú Hữu của VICEM Hà Tiên; 382 tỷ vào dự án nhiệt thừa khí thải của VICEM Bút Sơn; ...
Ngọc Điệp