Theo BCTC hợp nhất quý 1/2024, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) bất ngờ ghi nhận khoản đầu tư khác tăng vọt từ lên hơn 7.000 tỷ đồng, gấp 2,7 lần đầu năm. Thuyết minh cho thấy đây là các khoản trái phiếu nắm giữ và đầu tư khác có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm và hưởng lãi suất áp dụng.
Bên cạnh đó, lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của Thế Giới Di Động cũng tăng hơn 1.500 tỷ so với đầu năm, lên mức 23.200 tỷ đồng. Đây là mức cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động chỉ kém đôi chút so với thời điểm cuối quý 2/2023. Sự gia tăng chủ yếu đến từ khoản tiền gửi ngắn hạn với số dư cuối kỳ hơn 17.600 tỷ đồng.
Dòng tiền của Thế Giới Di Động chủ yếu đến từ lợi nhuận, giảm tồn kho, phải thu và thương vụ chào bán riêng lẻ 5% cổ phần của công ty con là CTCP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh (Đầu tư BHX) cho đối tác CDH Investments (thông qua Green Bee 2 Private Limited). Theo báo cáo LCTT quý 1/2024, Thế Giới Di Động có phát sinh khoản 1.773 tỷ đồng tiền thu từ phát hành cổ phiếu và vốn góp của cổ đông không kiểm soát.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Giám đốc Đầu tư của Thế Giới Di Động cho biết đây là thương vụ phát hành cổ phần sơ cấp, dòng tiền sẽ đi trực tiếp vào công ty với mục đích tài trợ cho vốn lưu động, mở rộng cửa hàng và các kế hoạch phát triển trong dài hạn. Nhà đầu tư sau khi trở thành cổ đông sẽ không can thiệp vào quá trình vận hành cũng như ra quyết định của doanh nghiệp.
Khoản tiền gửi lớn giúp Thế Giới Di Động thu về 494 tỷ đồng lãi tỷ trong quý 1/2024, tăng 57% so với cùng kỳ 2023. Đây chưa phải con số cao nhất mà doanh nghiệp từng đạt được trong một quý nhưng mức lãi tiền gửi này vẫn là rất cao trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục. Ngoài ra, doanh nghiệp còn ghi nhận thêm 32,5 tỷ đồng lãi trái phiếu trong quý 1.
Ước tính bình quân mỗi ngày trong quý đầu năm, Thế Giới Di Động thu về gần 6 tỷ lãi tiền gửi và lãi trái phiếu.
Với túi tiền "rủng rỉnh", ngoài gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu hưởng lãi, Thế Giới Di Động còn tranh thủ trả bớt gần 1.500 tỷ đồng nợ vay tài chính trong quý đầu năm. Kết hợp với lãi suất thấp, chi phí lãi vay quý 1 cũng giảm gần 10% so với cùng kỳ 2023, xuống mức 267 tỷ đồng. Lãi tiền gửi, trái phiếu tăng mạnh trong khi chi phí lãi vay giảm, góp phần không nhỏ giúp Thế Giới Di Động lãi lớn quý đầu năm.
Trong quý 1/2024, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần đạt 31.486 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu cả năm. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp bán lẻ này lãi ròng 902 tỷ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ 2023 và là mức cao nhất trong vòng 6 quý kể từ quý 3/2022.
Tại thời điểm cuối tháng 3, Thế Giới Di Động có 1.077 cửa hàng Thế Giới Di Động/Top zone, 2.184 cửa hàng Điện Máy Xanh, 1.696 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 526 nhà thuốc An Khang, 64 cửa hàng AVAKids và 55 cửa hàng Erablue tại Indonesia. Như vậy, trong quý vừa qua, doanh nghiệp đã đóng 1 cửa hàng Thế Giới Di Động, 6 cửa hàng Điện Máy Xanh, 2 siêu thị Bách Hóa Xanh, 1 nhà thuốc An Khang và mở mới 17 cửa hàng Erablue tại Indonesia.
Với việc đóng bớt cửa hàng, số lượng nhân viên của Thế Giới Di Động cũng giảm 4.853 người sau quý đầu năm. Hiện tại, doanh nghiệp bán lẻ này còn hơn 60.500 lao động tính đến cuối tháng 3, giảm khoảng 19.500 nhân sự so với thời điểm đông đảo nhất (hơn 80.000 người) từng ghi nhận vào cuối quý 3/2022.
Năm 2024, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần thực hiện 2023. Với kết quả đạt được trong quý đầu năm, doanh nghiệp bán lẻ này đã thực hiện hơn 25% kế hoạch doanh thu và gần 38% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Theo ban lãnh đạo Thế Giới Di Động, nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung sẽ đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu. Song với nền tảng tài chính lành mạnh và "cơ thể" tinh gọn sau tái cấu trúc, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cho biết doanh nghiệp đã sẵn sàng đối phó với những biến động thị trường, có dư địa và quyết tâm để hiện thực hóa mục tiêu trong năm 2024.
Hà Linh