Mua gói bảo hiểm nhân thọ 40 triệu đồng/năm, sau 4 năm, người đàn ông nhận về gần 30 triệu đồng, tư vấn viên giải thích: "Phí phạt lên tới 90% giá trị hợp đồng"

Tổng số tiền đóng bảo hiểm nhân thọ sau 4 năm lên tới 160 triệu đồng nhưng người đàn ông này chỉ nhận về số tiền gần 30 triệu đồng. Vì sao lại vậy?

Một người đàn ông tên T.H, hiện là nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chia sẻ rằng vào năm 2020, anh đã tham gia một gói bảo hiểm nhân thọ với mức phí 40 triệu đồng mỗi năm. Sau 4 năm đóng phí, tổng số tiền anh đã nộp lên tới 160 triệu đồng. Tuy nhiên, khi có nhu cầu rút tiền, số tiền anh nhận về chỉ gần 30 triệu đồng.

Vì sao số tiền hoàn lại lại thấp đến như vậy? Thực tế, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng mua bảo hiểm nhân thọ cũng giống như gửi tiết kiệm tức là đóng bao nhiêu, khi cần có thể rút lại tương ứng, thậm chí có thêm khoản lãi đầu tư.

Tuy nhiên, bản chất của bảo hiểm nhân thọ khác hoàn toàn. Khi khách hàng rút tiền trước hạn, phần lớn số tiền đã đóng sẽ bị khấu trừ các loại phí cộng với loạt phí phạt, dẫn đến giá trị hoàn lại rất thấp, đặc biệt trong những năm đầu của hợp đồng.

Theo lời giải thích từ một tư vấn viên bảo hiểm, số tiền đóng hàng năm, ví dụ ở trường hợp của anh H, số tiền là 40 triệu đồng sẽ không được tích lũy trọn vẹn như nhiều người vẫn nghĩ. Thay vào đó, khoản tiền này sẽ được phân bổ và trừ dần vào nhiều loại phí được quy định trong hợp đồng. Cụ thể: phí quản lý hợp đồng, phí bảo hiểm cho sản phẩm chính, sản phẩm bổ sung,…

Bên cạnh đó, dù trong hợp đồng có thể ghi lãi suất kỳ vọng khoảng 5% mỗi năm, nhưng trên thực tế, mức lãi này thường không đạt được như kỳ vọng và chỉ được tính trên một phần nhỏ trong tổng số tiền phí đã đóng.

Tư vấn viên này cũng cung cấp thêm thông tin, đó là người tham gia bảo hiểm nhân thọ cần đặc biệt lưu ý đến ba thời điểm rút tiền chính, bởi mỗi thời điểm sẽ tương ứng với mức khấu trừ và quyền lợi hoàn lại khác nhau.

Thời điểm 1: Thường rơi vào từ năm thứ nhất đến năm thứ ba. Nếu khách hàng rút tiền ở giai đoạn này sẽ bị phạt từ 20% đến 90% giá trị hợp đồng. Đây là giai đoạn mà rủi ro tài chính cao nhất, vì dù đã đóng cả trăm triệu đồng, người mua có thể chỉ nhận lại được vài triệu đồng sau khi trừ phí.

Thời điểm 2: Là khi khách hàng rút trước hạn sau một thời gian dài hơn, có thể sau 5, 10 hoặc 20 năm tùy theo từng loại hợp đồng và quy định của công ty bảo hiểm. Mức phạt trong giai đoạn này thường thấp hơn, dao động từ 10% đến 20% giá trị hợp đồng.

Thời điểm 3: Là khi hợp đồng kết thúc đúng hạn hay còn gọi là tất toán hợp đồng. Lúc này, trong thời hạn hợp đồng không xảy ra sự kiện rủi ro nào, khi rút tiền về, khách hàng vẫn sẽ bị trừ các loại phí như phí rủi ro hoặc quản lý hợp đồng. Số tiền còn lại chính là phần giá trị tích lũy thực tế.

Người mua có thể kiểm tra giá trị được rút trong bảng minh họa quyền lợi sản phẩm tại mục "giá trị hoàn lại". Việc hiểu rõ các giai đoạn và cơ cấu chi phí này sẽ giúp người tham gia bảo hiểm đưa ra lựa chọn phù hợp, tránh tâm lý hụt hẫng khi thấy số tiền hoàn lại không như kỳ vọng.

Một số thông tin khác về việc rút tiền bảo hiểm nhân thọ trước hạn mà người mua bảo hiểm cũng cần biết. Cụ thể, để thực hiện yêu cầu rút tiền, khách hàng cần tuân thủ một số điều kiện: gửi yêu cầu bằng văn bản, số tiền rút tối đa không vượt quá 80% giá trị tiền mặt thực trả, số tiền rút tối thiểu phải đáp ứng mức sàn của công ty bảo hiểm và giá trị tài khoản sau khi rút không được thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.

Một điểm cần lưu ý là thời gian cân nhắc – được tính từ thời điểm khách hàng nhận hợp đồng đến 21 ngày sau – là khoảng thời gian đặc biệt quan trọng. Trong thời gian này, khách hàng có quyền thay đổi, điều chỉnh hoặc hủy hợp đồng mà không bị phạt bất kỳ khoản phí nào. Nếu quyết định chấm dứt hợp đồng trong giai đoạn này, khách hàng sẽ nhận lại số tiền đã đóng sau khi trừ đi một số chi phí phát sinh hợp lý (nếu có).

Trong trường hợp hợp đồng đã có hiệu lực qua năm đầu tiên (hoặc tùy theo quy định của sản phẩm), khách hàng có thể chọn hình thức tạm ứng từ giá trị tài khoản hoặc giá trị hoàn lại thay vì rút toàn bộ. Tổng số tiền tạm ứng thường không được vượt quá 80% giá trị tiền mặt tại thời điểm yêu cầu và cũng không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định từng công ty. Tuy nhiên, khách hàng cần có trách nhiệm thanh toán phần lãi phát sinh từ khoản tạm ứng này, như một khoản vay ngắn hạn từ chính hợp đồng bảo hiểm của mình.

Mai Anh

Nguyễn Đức Hải

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/mua-goi-bao-hiem-nhan-tho-40-trieu-dong-nam-sau-4-nam-nguoi-dan-ong-nhan-ve-gan-30-trieu-dong-tu-van-vien-giai-thich-phi-phat-len-toi-90-gia-tri-hop-dong-205250714165357678.htm