Ngày 15/1, Quốc hội đã khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). Dự thảo lần này có nhiều sửa đổi, bổ sung rất quan trọng. Trong đó, một trong những điểm chú ý là các quy định về việc can thiệp sớm tổ chức tín dụng.
Các trường hợp sẽ bị áp dụng biện pháp can thiệp sớm
Theo quy định của Dự thảo, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp sau:
Thứ nhất, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật này.
Thứ hai, xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba, vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 138 của Luật này trong thời gian 30 ngày liên tục.
Thứ tư, vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật này trong thời gian 06 tháng liên tục.
Thứ năm, bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước.
Những hạn chế đối với ngân hàng bị can thiệp sớm
Dự thảo cũng đưa ra các yêu cầu, biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm
Các yêu cầu đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:
Thứ nhất, tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;
Thứ hai, cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, thù lao, lương, thưởng; yêu cầu bồi hoàn thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát;
Thứ ba, tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản trị, điều hành.
Các biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:
Thứ nhất, không chia cổ tức, lợi tức, phân phối lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ, chuyển lợi nhuận về nước; hạn chế chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng tài sản;
Thứ hai, hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, có rủi ro cao; giảm giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần; hạn chế tăng trưởng tín dụng;
Thứ ba, đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không bổ sung nội dung hoạt động mới, không mở rộng mạng lưới;
Thứ tư, đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; yêu cầu bầu, bổ nhiệm thay thế người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm;
Thứ năm là các biện pháp khác theo thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.
Quang Hưng
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ngan-hang-lo-luy-ke-tren-15-von-dieu-le-co-the-bi-ap-dung-bien-phap-can-thiep-som-2058332.htm