Ngân hàng nào là chủ nợ của Xi măng Xuân Thành?

Tổng tài sản của Xi măng Xuân Thành là 23.243 tỷ đồng, trong đó có 16.407 tỷ đồng là nợ phải trả. Vậy những tổ chức tín dụng nào đang là chủ nợ của công ty này?

Vừa qua, CTCP Xi măng Xuân Thành đã công bố tình hình tài chính năm 2022. Theo đó, ghi nhận năm qua công ty lỗ sau thuế hợp nhất gần 31 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi gần 296 tỷ đồng.

ngan-hang-nao-la-chu-no-cua-xi-mang-xuan-thanh-antt-1686820222.PNG
Xi măng Xuân Thành lỗ sau thuế hợp nhất năm 2022 gần 31 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi gần 296 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm 2022 là 6.836 tỷ đồng, tăng 9% so với hồi đầu năm (từ 6.267 tỷ lên 6.836 tỷ đồng). Giá trị tổng tài sản của Xi măng Xuân Thành đã lên đến suýt soát tỷ đô, đạt 23.243 tỷ đồng.

Trong khi vốn chủ sở hữu của Xi măng Xuân Thành năm 2022 tăng 569 tỷ đồng thì nợ phải trả tăng thêm hơn 2.300 tỷ đồng (từ 14.100 tỷ lên 16.407 tỷ đồng).

Báo cáo của Xi măng Xuân Thành cho thấy, nợ trái phiếu trong năm 2022 của công ty tăng gần 500 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu tính đến 31/12/2022 là 2.120 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong năm 2022 công ty này đã dùng đòn bẩy tài chính bằng cách tăng mạnh vốn vay. Song tỷ suất lợi nhuận của công ty không tăng mà thậm chí đi xuống.

Dữ liệu của PV cho thấy, trong năm 2022, Xi măng Xuân Thành phát sinh 10 giao dịch với ngân hàng và tổ chức tín dụng. Công ty này đã dùng tài sản là cổ phần góp vốn tại Xi măng Xuân Thành Quảng Nam, Toàn bộ hàng hoá (bao gồm cả thành phẩm là xi măng, clinke và nguyên, nhiên vật liệu sản xuất xi măng, clinke) có được từ vốn vay của ngân hàng để chấp tại VietinBank, VietcomBank, BIDV và MBBank.

Xi măng Xuân Thành nằm trong hệ sinh thái của Xuân Thành Group- doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Xuân Thành. Công ty này được thành lập từ tháng 2/2012 do ông Nguyễn Xuâ Thủy (hay còn gọi là bầu Thủy, em trai ông Nguyễn Đức Thụy – Chủ tịch LPBank) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

Xi măng Xuân Thành đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Công ty này là nhà sản xuất xi măng có tiếng trên thị trường, với hệ thống sản xuất và trạm phân phối xi măng tại Hà Nam, Quảng Nam, Bình Phước. Trong đó, nhà máy xi măng Xuân Thành – Hà Nam có công suất 5,5 triệu tấn xi măng/năm/hai dây chuyền.

Tính đến tháng 11/2020, Xi Măng Xuân Thành có vốn điều lệ 6.168 tỷ đồng. Trong đó, lượng cổ phần chi phối do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành - pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Xuân Thành Group của ông Nguyễn Xuân Thành - nắm giữ.

Ngoài ra, cơ cấu cổ đông của Xi măng Xuân Thành còn có sự góp mặt của 3 thể nhân khác là ông Nguyễn Xuân Thủy, bà Tống Thị Kiều Hoa và ông Nguyễn Đức Hạnh.

Một tài liệu của PV cho thấy, trong năm 2021, ông Nguyễn Xuân Thủy và bà Tống Thị Kiều Hoa đã thế chấp 15,04% và ông Nguyễn Đức Hạnh thế chấp 3,76% cổ phần Xi măng Xuân Thành tại MBBank.

Ngoài ra, tháng 8/2021, ông Thủy cùng vợ thế chấp 124,5 triệu cổ phần tại Xi măng Xuân Thành cho BIDV- chi nhánh Ninh Bình. Đến tháng 9 cùng năm, cặp đôi này tiếp tục dùng cổ phần tại Xi măng Khánh Hòa thế chấp cho MBBank.

PV

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ngan-hang-nao-la-chu-no-cua-xi-mang-xuan-thanh-2052176.htm