Ngành bia ngậm ngùi đón Tết buồn: Kinh doanh ảm đạm, lợi nhuận sụt giảm hàng nghìn tỷ đồng giữa "cơn bão kép"

Ngành bia đang chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh trong bối cảnh sức mua giảm cộng thêm cơ quan chức năng siết chặt quy định về nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm hàng nghìn tỷ.

Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người mỗi năm là 8,3 lít, tương đương một người uống khoảng 170 lít bia mỗi năm. Rõ ràng, Việt Nam là một thị trường "béo bở" với các hãng bia.

Tuy nhiên mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt cộng thêm nhiều thách thức bủa vây khiến các doanh nghiệp ngành bia khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Mức tiêu thụ bia trong năm 2023 không còn sôi động, nhộn nhịp như những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ kinh tế khó khăn, sức mua giảm và cơ quan chức năng siết chặt quy định về nồng độ cồn của người tham gia giao thông.

Lượng tiêu thụ bia sụt giảm chưa từng có nhanh chóng tác động tới kết quả kinh doanh các doanh nghiệp bia. Theo thống kê, doanh thu ngành bia trên sàn chứng khoán trong quý 4/2023 tiếp tục sụt giảm 13% so với cùng kỳ năm trước xuống mức hon 12.800 tỷ đồng. Cả 4 quý của năm 2023 đều chứng kiến doanh thu đi lùi so với cùng kỳ. Thậm chí lợi nhuận ngành bia trong quý 4 vừa qua là quý thứ 2 liên tiếp sụt giảm so với quý trước và giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn hơn 1.100 tỷ đồng.

Sự sụt giảm liên tục khiến doanh thu cả năm 2023 của các doanh nghiệp ngành bia sụt giảm 11% xuống gần 45.700 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh hơn với tốc độ giảm hơn 23%, còn chưa tới 5.100 tỷ đồng.

photo-1707305503795

Đi sâu vào từng doanh nghiệp, Sabeco (SAB) ghi nhận doanh thu thuần quý 4/2023 đạt 8.520 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Các chi phí tăng cao cộng thêm phần lãi trong công ty liên doanh liên kết giảm khiến LNST của Sabeco đạt 967 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, lãi ròng 947 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của "ông lớn" ngành bia Việt Nam trong hai năm qua.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần Sabeco đạt 30.461 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước. Bia vẫn là sản phẩm chủ lực của Sabeco với việc chiếm 88% doanh thu và đến 98% lãi gộp. Kết quả, lãi ròng 2023 của Sabeco đạt 4.118 tỷ đồng, giảm 21%. Sabeco giải trình sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng, kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 khiến doanh thu giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận. So với kế hoạch đề ra, SAB chỉ thực hiện được 76% chỉ tiêu về doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận năm.

Một tên tuổi kỳ cựu khác là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN) cũng phải "kêu ca" về sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia, xu hướng tiêu dùng giảm và việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn những tháng cuối năm 2023 đã ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận.

Riêng trong quý 4/2023, Habeco đạt 2.246 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn tăng khiến biên lãi gộp thu hẹp về 24%. Dù vậy, các chi phí khác được tiết giảm giúp Habeco lãi sau thuế 64 đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2023, chủ hãng Bia Hà Nội đạt doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và LNST 356 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 30%. Dù "hụt hơi" song nhờ kế hoạch thận trọng, Habeco vẫn vượt 5% chỉ tiêu doanh thu và vượt 60% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đáng chú ý, trong năm 2023, Habeco gia tăng khoản chiết khấu thương mại 13% lên 143 tỷ đồng mặc dù doanh thu giảm. Đây thông thường là khoản hoa hồng giảm giá ưu tiên cho khách hàng mua với số lượng lớn, nhằm khuyến khích người mua mua nhiều hàng hóa hơn.

photo-1707305872231

Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (mã HAD) cũng vừa trải qua kỳ kinh doanh không mấy thuận lợi với doanh thu thuần quý 4 đạt gần 27 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn "đội" lên khiến lợi nhuận gộp thu hẹp xuống còn gần 2 tỷ đồng, giảm 47%. Kết quả, HAD báo lỗ quý 4 hơn 1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trướcvẫn lãi. Luỹ kế cả năm 2023, công ty lãi sau thuế 6 tỷ đồng, giảm gần 43% so với năm 2022.

Nằm trong nhóm doanh nghiệp đồ uống có cồn còn có Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, mã HNR) - chủ thương hiệu Vodka Hà Nội. Tình hình thậm chí kém sắc hơn khi doanh nghiệp đã miệt mài báo lỗ tới 27 quý liên tiếp.

Theo báo cáo tài chính quý 4-2023, Halico ghi nhận lỗ sau thuế hơn 4 tỷ đồng. Đưa lỗ ròng cả năm 2023 lên gần 10 tỷ. Công ty đã thua lỗ triền miên 8 năm liền không một đồng lãi, đưa lỗ lũy kế lên hơn 457 tỷ đồng.

photo-1707306075100

CTCP Bia Sài Gòn - Hà Nội (BSH) ghi nhận doanh thu thuần quý 4 đạt 150,5 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ 2022. Lãi sau thuế hơn 7 tỷ đồng, giảm 32%. Gộp cả năm 2023, công ty bia này ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm tới 25%, chỉ đạt hơn 43 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (THB) cũng chứng kiến một năm kinh doanh ảm đạm khi doanh thu quý 4 đi lùi 11% so với cùng kỳ xuống 470 tỷ đồng. Theo đó, cả năm 2023 doanh thu thuần đạt 1.506 tỷ đồng, giảm 6%.

Thu kém, lợi nhuận 2023 của THB sụt giảm chỉ còn hơn 5 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2022 trước đó.

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, có nhiều nguyên nhân khiến sản lượng tiêu thụ bia giảm mạnh như tình hình kinh doanh khó khăn, ảnh hưởng bởi nghị định 100. Ngoài ra, sự bùng nổ của các thương hiệu bia nhập khẩu ở phân khúc cao cấp cũng ảnh hưởng đến thị phần của các doanh nghiệp bia trong nước vốn mạnh ở phân khúc trung bình.

Ở khía cạnh khác, không chỉ ở đầu ra, ngành bia còn đối mặt với thế khó ở giá cả nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Sắp tới, nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó có nội dung thay đổi phương pháp tính và điều chỉnh thuế suất với rượu và bia, được triển khai, tình hình của các doanh nghiệp càng gặp khó.

Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Funan cho rằng rủi ro quan trọng của ngành bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu. Đặc biệt, chi tiêu cho rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế, mà còn là xu hướng tất yếu tương lai khi các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần chi tiêu cộng thêm chính sách pháp luật hạn chế người dân tiêu thụ đồ uống có cồn.

Phương Linh

Phương Linh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nganh-bia-ngam-ngui-don-tet-buon-kinh-doanh-am-dam-loi-nhuan-sut-giam-hang-nghin-ty-dong-giua-con-bao-kep-2059471.htm