Ngày tàn của đặc quyền freeship: Sau nhiều năm 'vỗ béo', các nhà bán lẻ bắt đầu 'trở mặt', người tiêu dùng cảm thấy như bị 'ăn cướp'

Các nhà bán lẻ bắt đầu "trở mặt", sắp hết thời mua hàng freeship.

Nếu là người thường xuyên mua đồ trực tuyến thì việc được miễn phí vận chuyển hoặc miễn phí trả lại là điều diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, đã đến lúc mọi thứ thay đổi.

Vận chuyển nhanh chóng, trả lại miễn phí và dễ dàng cùng với miễn phí ship đã trở thành kỳ vọng cơ bản trong trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiện đại. Nhiều người tiêu dùng đã quen với việc coi phòng ngủ của họ giống như phòng thay đồ của cửa hàng, tự tin rằng họ có thể thường xuyên mua 20 món quần áo, mặc thử và sau đó gửi lại tất cả trừ một món mà không cần thắc mắc. Việc chờ đợi thậm chí hai ngày để giao hàng dường như là vô tận và bất kỳ khoản phí vận chuyển nào lớn hơn 0 USD đều bị khách hàng xem như "một vụ cướp".

Một cuộc khảo sát vào tháng 12/2022 của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ và Appriss Retail cho thấy tỷ lệ hoàn trả hàng là 16,5% trong năm đó, tương đương lượng hàng hóa trị giá 816 tỷ USD sẽ bị gửi lại. Một số người tiêu dùng đã áp dụng chính sách trả lại hàng miễn phí đến mức bị nhiều nhà bán lẻ khác nhau cấm tham gia mua sắm trực tuyến.

Một câu chuyện gần đây khiến cộng đồng mạng ở Mỹ xôn xao. Một người phụ nữ đã trả lại đồ cho Urban Outfitters mỗi tháng một lần kể từ khi học trung học và cô này đã bị phạt. Một người khác bị mất đặc quyền mua sắm tại Saks sau khi cô mua - và sau đó trả lại - số hàng hóa trị giá 15.000 USD. Một người khác được cho là đã phải "cầu xin" ASOS cấp lại quyền mua sắm cho mình. "Tội ác" mà cô ấy gây ra là: Trả lại 99% trong số 172 giao dịch mua mà cô ấy đã thực hiện trong khoảng thời gian một năm.

Nhưng giờ đây, tình thế đang thay đổi. Thay vì tranh giành thị phần bằng cách cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí và đổi trả hàng dễ dàng, các nhà bán lẻ đang cố gắng kiếm được nhiều tiền hơn từ mỗi giao dịch. Biên lợi nhuận bán lẻ cũng thắt chặt hơn. Việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang có nghĩa là việc vay tiền không còn miễn phí đối với các công ty thương mại điện tử nữa. Và các nhà đầu tư muốn thấy lợi nhuận thực tế thay vì những lời hứa khoa trương.

Do đó, vô số nhà bán lẻ - bao gồm H&M, Zara, J.Crew và thậm chí cả Amazon - đã bắt đầu điều chỉnh chính sách hoàn trả hàng của họ. Những thương hiệu này đang tính phí gửi lại đồ, rút ngắn thời hạn trả lại và từ chối chấp nhận hoàn toàn một số mặt hàng. Các nhà bán lẻ muốn ngăn cản người tiêu dùng hoàn trả - hoặc ít nhất buộc họ phải làm điều đó theo cách có lợi hơn, chẳng hạn như tự mang đồ đạc trở lại cửa hàng.

Neil Saunders, giám đốc điều hành của công ty tư vấn bán lẻ GlobalData nói: "Rất nhiều nhà bán lẻ đang cố gắng giảm quyền lợi được hoàn trả hàng miễn phí. Sẽ rất tốn kém đối với một nhà bán lẻ khi thực hiện dịch vụ đó vì họ phải trả tất cả các chi phí hậu cần ngược và đôi khi các sản phẩm được trả lại không thể bán được nữa".

Một số công ty cũng đang cắt giảm các đặc quyền vận chuyển, bằng cách tăng số lượng mua hàng tối thiểu đủ điều kiện để được vận chuyển miễn phí hoặc tăng phí giao hàng vào ngày hôm sau. Các nhà bán lẻ khó cắt giảm chi phí vận chuyển miễn phí hơn là giảm chi phí trả lại vì người tiêu dùng đã quen với niềm tin rằng mọi thứ sẽ đến nơi như thể có một phép thuật vậy, tất cả đều MIỄN PHÍ. Nhưng các thương hiệu cũng đang phải tìm mọi cách có thể để thu hút thêm một chút sự chú ý từ khách hàng. Chưa kể rằng Amazon Prime hiện tính phí 140 USD một năm để vận chuyển mọi thứ "miễn phí".

Ngày tàn của đặc quyền freeship: Sau nhiều năm 'vỗ béo', các nhà bán lẻ bắt đầu 'trở mặt', người tiêu dùng cảm thấy như bị 'ăn cướp'  - Ảnh 1.

Nói một cách rõ ràng: Các nhà bán lẻ đã mất nhiều năm để khiến chúng ta nghiện mua sắm trực tuyến. Và bây giờ khi chúng ta đã bị cuốn vào vòng xoáy, họ có nhiều thời gian hơn để tăng phí hậu cần.

Tất nhiên, thật buồn khi phải trả tiền cho những thứ mà trước đây chúng ta chẳng mất gì. Nhưng xét theo nghĩa rộng hơn, sự phản kháng từ các nhà bán lẻ là một điều tốt. Miễn phí vận chuyển không thực sự là miễn phí. Điều này liên quan đến các hoạt động hậu cần quy mô lớn, tốn kém và thường khiến các nhà bán lẻ nhỏ gặp bất lợi không thể tránh khỏi so với các đối thủ cạnh tranh lớn hơn nhiều.

Quá trình vận chuyển và trả lại quá dễ dàng mà người tiêu dùng mong đợi sẽ có hại cho môi trường. Điều này tạo ra một mức độ tiêu dùng bất cẩn khiến mọi người dễ dàng bỏ qua các chi phí vật chất và tài chính mà những người công nhân phải gánh chịu khi nhận hàng từ điểm A đến điểm B (và ngược lại). Chúng ta muốn mọi thứ nhanh chóng và miễn phí, nhưng chúng ta không muốn nghĩ về những gì đang diễn ra để biến điều đó thành hiện thực.

Ba mươi năm trước, ý tưởng phải đích thân trả lại một món hàng cho cửa hàng hoặc chịu chi phí gửi lại một món đồ không phải là vấn đề lớn. Nhưng vì quá quen với sự "chiều chuộng" của các nhà bán lẻ, giờ đây chúng ta cảm thấy đau đớn và bất công khi họ thay đổi chính sách.

Tuy nhiên, ai cũng nên cân nhắc kỹ hơn trong việc mua sắm của mình - đặc biệt là trong một thế giới mà mức tiêu dùng chưa từng có của chúng ta là một phần rất lớn nguyên nhân gây ra những rắc rối cho Hành tinh này.

Theo: BI

Phương Linh

Phương Linh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ngay-tan-cua-dac-quyen-freeship-sau-nhieu-nam-vo-beo-cac-nha-ban-le-bat-dau-tro-mat-nguoi-tieu-dung-cam-thay-nhu-bi-an-cuop-2059726.htm