Chốt phiên giao dịch 23/10, cổ phiếu VHD của CTCP Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị Vinahud đạt mức 14.900 đồng/cổ phiếu, dừng ở mốc tham chiếu. So với mức giá thấp nhất 52 tuần (tại phiên 21/8/2024 đạt 6.400 đồng/cổ phiếu), VHD đã tăng gấp hơn 2,3 lần; còn nếu so với thời điểm đầu năm, VHD tăng 14,6%.
Cổ phiếu VHD diễn biến tích cực trong bối cảnh ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 vừa qua của VHD đã thông qua nội dung dung chuyển nhượng 659,52 tỷ đồng phần vốn góp tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng (100% vốn điều lệ) – bên sở hữu 39,7% vốn CTCP Đầu tư Bất động sản Prime Land (chủ đầu tư dự án Làng Hoa Tiền Phong) tính đến cuối quý II/2024. Bên mua dự kiến là CTCP VNC Construction. Giá chuyển nhượng không thấp hơn 980 tỷ đồng.
"Việc bán cổ phần Mê Linh Thịnh Vượng (đồng nghĩa thoái gần 37% vốn tại dự án Làng Hoa Tiền Phong) xuất phát từ thị trường bất động sản gặp nhiều vướng mắc dẫn đến thủ tục đầu tư kéo dài. Mê Linh Thịnh Vượng không nằm ngoài khó khăn đó. Do chỉ số tài chính không tốt, Vinahud mong muốn bán dự án để giảm dư nợ vay", Đoàn Chủ tịch chia sẻ tại Đại hội.
Dù chia sẻ tại EGM năm 2024 về việc các chỉ số tài chính gặp khó khăn, song thực tế tìm hiểu, Vinahud ghi nhận khoản phải thu ngắn/dài hạn khá lớn với các đối tác liên quan/liên hệ đến chính đơn vị này. Thống kê cho thấy số dư của của các khoản mục này tại cuối kỳ BCTC quý II/2024 lên đến hơn 930 tỷ đồng, chiếm gần 1/5 tổng tài sản công ty.
Cụ thể, đó là các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn 531,6 tỷ đồng với loạt pháp nhân liên quan Vinahud gồm: CTCP Tập đoàn R&H (510,3 tỷ đồng), CTCP Tây Bắc Thăng Long (3 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Bất động sản Prime Land (16,3 tỷ đồng), CTCP Đầu tư BĐS Viên Nam (2 tỷ đồng). Các khoản vay có lãi suất rất thấp chỉ từ 4%/năm, kỳ hạn từ 9 tháng đến 28 tháng. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận khoản phải thu về lãi cho vay 39,9 tỷ đồng với R&H Group.
Không những thế, Vinahud còn ghi nhận trả trước ngắn hạn 175,5 tỷ đồng với CTCP VNC Construction. Đây là khoản CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải (công ty con Vinahud) trả trước liên quan đến các hợp đồng thi công xây dựng và cung cấp lắp đặt thiết bị cho các hạng mục tại dự án Grand Mercure Hội An tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Như đã biết, VNC Construction là pháp nhân có nhiều liên hệ đến nhóm R&H Group, cũng như Chủ tịch HĐQT Vinahud Trương Quang Minh.
VNC Construction còn nằm trong danh sách phải thu về cho vay ngắn hạn của Vinahud với số dư 20 tỷ đồng, cùng với CTCP Beru Group (16,15 tỷ đồng), CTCP Archi Viên Nam (3,35 tỷ đồng). Mức lãi suất khá thấp thấp chỉ là 4%, thời hạn vay từ 3 đến 12 tháng.
Tương tự VNC Construction, Beru Group và Archi Viên Nam là những cái tên ít nhiều liên hệ với Vinahud. Theo đó, Beru Group hiện có Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật là ông Hoàng Văn Minh (SN 1982) – cá nhân này cũng đứng tên tại CTCP Đầu tư BĐS Viên Nam (pháp nhân liên quan Vinahud theo BCTC nửa đầu năm 2024).
Trong khi đó, Archi Viên Nam từng có Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Hoàng Quý (SN 1978). Cá nhân này từng thay thế ông Trương Quang Minh để trở thành Chủ tịch HĐQT CTCP VNI Invest vào tháng 10/2023, và Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Sơn Long vào tháng 10/2024.
Đáng chú ý, Xuân Phú Hải tại ngày 30/6/2024 cũng ghi nhận khoản phải thu dài hạn 145 tỷ đồng do chi góp vốn hợp tác kinh doanh cho CTCP Đầu tư và Phát triển Sơn Long theo hợp đồng hợp tác đầu tư số 01 ký ngày 28/6/2021 với mục đích thực hiện dự án Khu khách sạn, dịch vụ du lịch tại phường Bãi Cháy, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, vốn đầu tư hợp tác gần 4.897 tỷ đồng, trong đó Sơn Long góp 4.751 tỷ đồng, Xuân Phú Hải 145 tỷ đồng. Thời hạn hợp tác 50 năm kể từ ngày ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư điều chỉnh lần 1.
PV
Phạm Thị Tâm
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nghin-ty-phai-thu-cua-vinahud-205241024094842715.htm