Hãng tin CNN cho hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tháng 1/2024 đã giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2009 đến nay, báo hiệu rủi ro giảm phát khi nhu cầu yếu, dư thừa sản lượng và buộc doanh nghiệp tiếp tục hạ giá.
Số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy CPI tháng 1 của nước này giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, mức mạnh nhất kể từ tháng 9/2009, đồng thời cũng là tháng giảm thứ 4 liên tiếp.
Trong đó, mức giảm giá mạnh nhất thuộc về thịt lợn với 17,3% giảm giá so với cùng kỳ năm trước, trở thành mặt hàng hạ giá nhiều nhất trong tất cả sản phẩm. Tiếp đó là rau xanh giảm giá 12%.
Cùng với CPI, chỉ số giá sản xuất (PPI) đo lường chi phí sản xuất của doanh nghiệp tại Trung Quốc cũng giảm 2,5% trong tháng 1, nối tiếp đà giảm 2,7% của tháng 12/2023.
Không riêng gì thịt lợn, hàng loạt sản phẩm từ xe điện đến các mặt hàng khác ở Trung Quốc cũng giảm giá, khiến nỗi lo về nhu cầu yếu dịp Tết Nguyên Đán sẽ trở thành dấu hiệu giảm phát ngày một tăng cao.
Tờ New York Times (NYT) nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp thách thức lớn nếu giả các mặt hàng suy giảm trên diện rộng.
Nhu cầu yếu gây giảm doanh thu, khiến doanh nghiệp hạ giá và cắt giảm tiền lương, sa thải lao động và khiến sức mua đi xuống sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn gây tiêu cực cho thị trường.
Đó là chưa kể đến mất thu nhập sẽ ảnh hưởng đến thị trường tín dụng, vay nợ doanh nghiệp và hàng loạt những hệ lụy đi kèm khác.
Giáo sư Eswar Prasad của trường đại học Cornell cảnh báo nguy cơ giảm phát sẽ đè nặng lên nền kinh tế số 2 thế giới bên cạnh bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán đang giảm điểm mạnh.
Chán nản
Các hãng tin Phương Tây cảnh báo việc thu nhập giảm khiến người dân hạn chế mua thịt lợn trong Tết Nguyên Đán có thể là dấu hiệu cho hệ lụy kéo dài.
Trung Quốc là thị trường sản xuất tiêu thụ một nửa lượng thịt lợn trên toàn cầu. Hàng năm, người dân nơi đây ăn thịt lợn nhiều gấp 5 lần người Mỹ, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán.
Thế nhưng số liệu của Shanghai JCI cho thấy vào năm ngoái, lượng tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc đã giảm 1 triệu tấn xuống còn 54 triệu tấn, báo hiệu nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thiết yếu này đi xuống trong khi lượng cầu vẫn tăng.
Chỉ số CPI của Trung Quốc hiện đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp và bị nhiều chuyên gia dự đoán sẽ còn đi xuống trong năm 2024.
Giám đốc Darin Friedrichs của Sitonia Consulting nhận định sự suy giảm này chủ yếu đến từ các gia đình nghèo ở Trung Quốc.
"Với những người như các nhân viên ngân hàng ở Thượng Hải thì chẳng có chuyện gì to tát, họ vẫn đi ra ngoài ăn uống chi tiêu bình thường. Thế nhưng một bộ phận rất lớn của nền kinh tế là những người nghèo, lao động tỉnh lẻ, nhân viên cổ xanh thì lại chịu ảnh hưởng cực kỳ mạnh", giám đốc Friedrichs nhận định.
Bên cạnh đó, phía nhà cung ứng và doanh nghiệp cũng sẽ chịu thiệt hại vì cầu giảm.
Chị Wu Aizhen tại chợ Xinmin-Bắc Kinh cho biết giá thịt lợn đã giảm 1/6 so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chị lại chỉ bán được ít hơn 1/3 so với các dịp Tết trước.
"Rất khó để tăng giá vì nhu cầu thấp, dù cho dịp Tết đến gần", chị Wu chán nản.
Tương tự, ông Gong Cheng chuyên cung ứng thịt lợn ở miền Đông Trung Quốc cũng cho hay tình hình không sáng sủa lắm. Mọi năm, lao động tỉnh lẻ sẽ tốn khoảng 1.000 Nhân dân tệ, tương ứng 140 USD để mua thịt lợn làm xúc xích cho dịp Tết.
Thế nhưng năm nay bình quân họ chỉ chi tiêu khoảng 300 Nhân dân tệ, thậm chí là chẳng mua gì.
Tại tỉnh Jiangsu giàu có, ông Li Fumin, chủ một chủ hãng chuỗi nhà hàng phục vụ hàng chục nghìn lao động, đang cực kỳ lo lắng khi có thể phải đóng cửa vì khách hàng ngày càng tiết kiệm hơn.
"Rất khó để có lợi nhuận khi khách hàng ngày một tiết kiệm hơn, lựa chọn những món rẻ tiền thay các món khác", ông Li ngán ngẩm cho biết khi đã phải ngừng nhập các loại thực phẩm thịt đắt tiền như thịt bò hay nấm.
Ế ẩm
Sự suy giảm nhu cầu thịt lợn cùng với hàng loạt sản phẩm, dịch vụ khác tại Trung Quốc báo hiệu tình hình thừa cung cực kỳ lớn trên thị trường.
Số liệu chính thức cho thấy sản lượng thịt heo của Trung Quốc trong năm 2023 đã tăng lên mức cao nhất 9 năm qua và chính phủ đã phải can thiệp 3 lần vào năm ngoái để mua thịt lợn cho kho dự trữ chiến lược, qua đó trợ giá người nông dân.
Chuyên gia Even Pay của Trivium China cho hay thói quen găm hàng dịp Tết Nguyên Đán đang tạo ra một vòng luẩn quẩn trên thị trường.
"Ví dụ các trang trại nuôi lợn sẽ bắt đầu găm hàng từ đợt Tết Trung Thu năm ngoái với hy vọng bán trong dịp Tết Nguyên Đán với giá cao. Thế nhưng điều này đồng nghĩa họ cho lợn ăn nhiều hơn, khiến chúng béo hơn để rồi thừa cung ra thị trường với giá rẻ bèo", chuyên gia Pan cho hay.
Một cuộc khủng hoảng thừa cung thiếu cầu được cho là sẽ ảnh hưởng nặng đến các nhà chăn nuôi nhỏ lẻ ở Trung QUốc, vốn chiếm đến 40% đàn lợn toàn quốc.
Chuyên gia Dan Lu về nhân giống lợn ở miền Nam Trung Quốc cho hay có đến 70% số hộ chăn lợn nhỏ lẻ tại đây đã đóng cửa trang trại của mình.
Ngay cả những tập đoàn lớn như Aonong Biological Technology Group mới đây cũng phải tuyên bố khả năng hủy niêm yết trên sàn chứng khoán trong vài năm nữa vì thua lỗ do giá thịt lợn thấp.
*Nguồn: CNN, NYT
Băng Băng