Tờ Business Insider (BI) cho hay báo cáo của Hội đồng vàng quốc tế (WGC) cho thấy người dân Trung Quốc đã tăng mua vàng đến 30% trong năm 2023.
Trong đó, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) là bên mua nhiều nhất khi dùng kim loại quý này làm tài sản thay thế đồng USD trong kho dự trữ chiến lược của mình. Tờ Nikkei Asian Review cho hay PBOC đã cắt giảm 10% tổng giá trị tài sản dự trữ trái phiếu Mỹ, tương đương 230 tỷ USD so với trước khi xung đột Ukraine diễn ra.
Cụ thể báo cáo của WGC cho thấy nhà đầu tư, người dân và PBOC đã mua vào 280 tấn vàng năm 2023. Riêng PBOC đã mua ròng 225 tấn vàng, mức cao thứ 2 kể từ năm 1950 đến nay, đứng sau con số 1.082 tấn vàng mua ròng của năm 2022.
Tại thị trường trang sức, bất chấp thị trường toàn cầu đi ngang, lượng tiêu thụ của Trung Quốc vẫn tăng 10% lên 630 tấn, qua đó cho thấy nhu cầu cực lớn trong dân.
"Trung Quốc hiện đang là động lực chính cho thị trường trong năm vừa qua", chuyên gia phân tích Louise Street của WGC đánh giá.
Xin được nhắc là nhu cầu vàng trên toàn cầu đã giảm 5% trong năm vừa qua xuống chỉ còn 4.448 tấn, sau đợt thăng hoa của năm 2022. Thế nhưng với người Trung Quốc, nhu cầu vàng vẫn còn mãi bất kể là trong dân chúng hay với PBOC.
Theo BI, chính sự điên cuồng với kim loại quý này tại Trung Quốc là một phần nguyên nhân chính khiến giá vàng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce trong năm qua. Tổng số vàng bị rút khỏi sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) trong năm qua đã tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 1.687 tấn, qua đó cho thấy nhu cầu nắm giữ kim loại quý này của người dân Trung Quốc.
Thậm chí với những cá nhân không có nhiều tiền tích trữ vàng, họ cũng có thể đổ tiền vào các quỹ ETF chuyên về kim loại quý này. Số liệu của BI cho thấy dòng vốn đổ vào các quỹ ETF đầu tư vàng ở Trung Quốc đã tăng ổn định trong thời gian qua khi nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn tài sản.
Đánh giá của WGC cho thấy người dân Trung Quốc đã tăng cường mua vàng khi thị trường bất động sản, chứng khoán và nhiều kênh đầu tư khác gặp khó khăn.
Chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc đã giảm 5% trong tháng 1/2024 và 23% trong năm qua.
Tính đến cuối năm 2023, nhà đầu tư quốc tế đã rút 90% nguồn vốn của mình khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc do lo ngại những xung đột thương mại cũng như rủi ro giảm phát. Dòng tiền này được nhiều nhà đầu tư quốc tế đổ sang cho thị trường chứng khoán Nhật Bản, khiến chỉ số Nikkei tăng mạnh thời gian qua.
Tại mảng bất động sản, vụ Evergrande vỡ nợ vẫn đang gây ảnh hưởng lên toàn thị trường kể từ khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát nguồn vốn. Tổng giá trị doanh số bán nhà mới của các hãng bất động sản lớn nhất Trung Quốc trong tháng 12/2023 đã giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.
"Vàng trở thành tài sản tất yếu của người Trung Quốc trong bối cảnh bất ổn của thị trường", chuyên gia phân tích Colin Hamilton của BMO nhận định.
*Nguồn: BI, Nikkei, Financial Times
Băng Băng