Người trúng số thường 'tán gia bại sản' trong 3-5 năm, chuyên gia chỉ ra lỗi sai trong quản lý tài chính nhiều người mắc phải

Theo nghiên cứu, 1/3 số người trúng số thường phá sản trong vòng từ ba đến năm năm. Lý do tại sao số tiền đó không cánh mà bay?

Ông Nguyễn An Huy – Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân của FIDT lý giải các nguyên nhân khiến những người mới trúng số thường không "giàu bền, đồng thời, đưa ra năm chìa khoá quản lý tài chính bền vững trong chương trình Tài chính thông minh trên báo Lao Động. 

Tại sao tiền lại "không cánh mà bay"?

Theo chuyên gia, hầu hết những người may mắn trúng số đều mắc phải một lỗi sai là kế toán nhận thức. Đây là thiên kiến khiến người trúng số phung phí số tiền may mắn kiếm được.

"Trực giác của con người có khuynh hướng phân loại số tiền do mình may mắn kiếm ra, khác với số tiền kiếm được bằng sức lao động. Việc này khiến người trúng số không coi trọng giá trị tiền bạc vừa kiếm được, đồng thời, ngay lập tức phung phí chúng đi", ông Huy nói.

Hiện tượng này cũng xảy ra với những người đầu cơ trên thị trường tài chính. Nhiều nhà đầu cơ có khuynh hướng phung phí những khoản tiền do đầu cơ mang lai, thay vì sử dụng chúng theo cách khôn ngoan để tái sinh lời. Kết quả, có rất ít những nhà đầu cơ có thể giàu lên theo cách bền vững.

Ngoài ra, có những người thụ hưởng số tiền lớn từ công ty bảo hiểm cũng có thể gặp phải tình huống tương tự. Đáng lý, số tiền này nên được đầu tư an toàn, vào vùng danh mục tài sản có thể duy trì mục tiêu tài chính thì lại "dễ đến dễ đi".

Bên cạnh đó, người mới nhận được một khoản tiền từ trên trời rơi xuống cũng dễ mắc phải tình trạng lạm phát lối sống.

"Có nhiều tiền hơn, chi tiêu cũng nâng lên. Do đó, việc kéo giảm chi tiêu như trước đây là một việc làm khó khăn. Điều này được gọi là lạm phát lối sống", ông Huy nói.

Đồng thời, việc bỗng nhiên có một số tiền lớn cũng có thể làm giảm động lực làm việc hoặc ảnh hưởng đến thu nhập. Kết quả, sau khi phung phí toàn bộ số tiền thưởng, nhiều người trúng số sẽ rơi vào hoàn cảnh chi vượt thu.

Ngoài ra, tài sản càng lớn thì càng cần khả năng quản lý tài chính tương xứng. Khi đột ngột nhận một khoản tiền lớn, thông thường, người trúng số không có sẵn các kỹ năng quản lý tài chính nên thường sẽ rơi vào thế bị động. Do đó, họ sẽ hành động phi lý trí, gây ra các hậu quả dài hạn.

Làm gì để "giàu bền"?

Bên cạnh việc lý giải các nguyên nhân khiến người trúng số không "giàu bên", chuyên gia của FIDT cũng đưa ra bốn giải pháp giúp tiền đẻ ra tiền.

Thứ nhất, người mới trúng số không nên hoặc hạn chế thông báo thông tin này đến những người xung quanh để tránh áp lực từ gia đình, xã hội.

Thứ hai, chúng ta nên lập kế hoạch tài chính toàn diện, xác định rõ mục tiêu và lập kế hoạch quản lý và đầu tư số tiền này một cách thông minh, an toàn, bền vững.

Thứ ba, chúng ta cần hạn chế lạm phát về lối sống. Người mới nhận được một số tiền lớn có thể nâng dần tiêu chuẩn sống của mình lên nhưng với tốc độ vừa phải, chậm rãi.

Thứ tư, chúng ta nên duy trì công việc hiện tại hoặc tập trung vào công việc chúng ta yêu thích, hoàn toàn không nên dừng hẳn công việc đang làm. Trừ khi, người trúng số đã xác định được kế hoạch hưu trí dài hạn.

Cuối cùng, người mới trúng số cần nâng cao năng lực quản lý tài chính cá nhân. Việc trúng số có thể là cơ hội tài chính tuyệt vời nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi có kế hoạch sử dụng đồng tiền một cách thông minh. Điều này giúp đảm bảo sự giàu có không chỉ là một giấc mơ thoáng quá.

Thảo Vân

Thảo Vân

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nguoi-trung-so-thuong-tan-gia-bai-san-trong-3-5-nam-chuyen-gia-chi-ra-loi-sai-trong-quan-ly-tai-chinh-nhieu-nguoi-mac-phai-20515239.htm