Những năm trở lại đây, biến đổi khí hậu khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, Việt Nam không ngoại lệ. Theo ước tính của Hiệp hội Công nghiệp Điện lạnh và Điều hòa Không khí Nhật Bản (The Japan Refrigeration and Air Conditioning Industry Association), tuy số điều hòa bán ra có xu hướng giảm trong giai đoạn 2019 - 2021, Việt Nam vẫn có quy mô thị trường lớn thứ 5 khu vực châu Á với sản lượng tiêu thụ hơn 1,8 triệu chiếc (vào năm 2021).
Do đó, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng đầy hứa hẹn cho ngành hàng điều hòa. Điều này lý giải tại sao có rất nhiều "tay chơi" từ Tập đoàn ngoại đến doanh nghiệp trong nước đầu tư.
Theo thống kê từ Vietdata, nước ta đang có khoảng 50 thương hiệu điều hòa không khí lớn nhỏ, các thương hiệu nội địa có thể kể đến Reetech (của Công ty Cơ điện lạnh – mã chứng khoán REE) và Funiki của Tập đoàn Hoà Phát – mã chứng khoán HPG); và các thương hiệu nước ngoài như Daikin, Toshiba, Sharp, Aqua, LG… mới nhất có Casper.
Về kinh doanh, giai đoạn 2020-2022 ghi nhận doanh thu hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, dẫn đầu là Daikin – thương hiệu lớn của Nhật. Được biết, Daikin sớm khai thác thị trường Việt Nam từ năm 1995, đến năm 2018 thì nhà máy sản xuất điều hòa không khí tại Hưng Yên đi vào hoạt động.
Dẫn số liệu từ Vietdata, giai đoạn 2020 - 2022, Daikin duy tốc độ tăng trưởng bình quân 6%, tổng doanh thu thuần của Daikin đạt hơn 9.700 tỷ đồng trong năm 2022. Đây là kết quả của chiến lược xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chủ lực là điều hòa ở Việt và một số khu vực khác ở châu Á.
Cũng đến từ Nhật Bản, Toshiba đứng Top 2 về doanh thu với 5.700 tỷ trong năm 2022, ghi nhận tăng trưởng 40%. Đến nay, sản phần gia dụng của Toshiba đã gắn bó với người tiêu dùng Việt hơn 3 thập kỷ, trong đó dòng chủ lực của thương hiệu này là tủ lạnh và máy giặt.
Sớm có mặt tại Việt Nam còn có Aqua (thương hiệu khác của Nhật Bản) sau hơn 27 năm phát triển cũng là một trong số thương hiệu quen thuộc với nhiều người tiêu dùng Việt. Năm 2017, dòng điều hòa đầu tiên mang tên Aqua ra đời, đánh dấu sự chuyển mình từ thương hiệu cũ là Sanyo. Giai đoạn 2020 - 2022, tổng doanh thu của Aqua Vietnam đạt có xu hướng tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân 12%.
Nổi trội nhất vẫn là "tân binh" Casper, chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây song thương hiệu Thái Lan này nhanh chóng chiếm được lòng khách hàng nhờ định giá phân khúc bình dân. Theo thông tin từ Casper Việt Nam, doanh thu năm 2022 của công ty này tăng từ 4.700 lên 5.600 tỷ đồng (chưa VAT).
Hiện, Casper có thể được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Điện máy Hoà Phát (cùng phân khúc bình dân). Casper Việt Nam tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu 2020 đạt hơn 3.400 tỷ, gấp 3 lần Hoà Phát.
Song, trong khi các bên đều có lãi (theo Vietdata), thì năm 2022 Casper bất ngờ lỗ lớn. Lý do cho khoản lỗ nói trên là tổng chi phí hỗ trợ bán hàng của Casper tăng từ 693 tỷ lên 1.095 tỷ đồng, là khoản chi phí hỗ trợ giá, chiết khấu đại lý và kênh phân phối.
Sang nửa đầu năm 2023, Casper tiếp tục gây chú ý khi công bố khoản lãi sau thuế gần 35 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ hơn 25 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, theo báo cáo riêng công ty mẹ, Casper Việt Nam vẫn còn lỗ sau thuế 13 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cùng kỳ năm 2022 lỗ 816 triệu đồng.
Casper Việt Nam cũng giảm đáng kể nợ. Tại thời điểm 31/12/2022, nợ phải trả của Casper Việt Nam là 3.250 tỷ đồng. Đến 30/6/2023, số nợ này đã giảm xuống còn 2.306 tỷ đồng, như vậy phần nợ này đã giảm 30%. Trong đó, phần vay ngắn hạn từ ngân hàng đã giảm 40% từ 1.700 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022 xuống còn 956 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023.
Tri Túc