Nhà phân phối xe điện Wuling Mini nói gì về việc cổ phiếu TMT tăng trần liên tiếp?

Theo giải trình của Ô tô TMT, mã TMT tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 25-31/12 là do nhu cầu của thị trường và nằm ngoài sự kiểm soát của Công ty. Các hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn đang nằm trong kế hoạch và diễn ra bình thường.

CTCP Ô tô TMT (MCK: TMT, sàn HoSE) vừa có công văn giải trình về việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 25/12 đến ngày 31/12 theo yêu của của Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Theo giải trình, việc cổ phiếu TMT tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 25/12 đến ngày 31/12 là do nhu cầu của thị trường và nằm ngoài sự kiểm soát của Công ty. Trong đó, các hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn đang nằm trong kế hoạch và đang diễn ra bình thường.

TMT cho biết, ngay từ đầu năm 2024, công ty đã thực hiện chủ trương giải phóng hàng tồn kho, tái cấu trúc lại toàn bộ sản phẩm từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ.

Thêm nữa, sau tái cấu trúc toàn bộ công tác điều hành, TMT đã và đang áp dụng quản trị bằng phần mềm Baravo từ khâu sản xuất cho tới khâu kinh doanh tại các đại lý uỷ quyền trên phạm vi toàn quốc và tính tới 31/12/2024, toàn bộ các nội dung tái cấu trúc đã triển khai thực hiện cơ bản xong và rất hiệu quả, lấy lại lòng tin của người tiêu dùng cũng như các đại lý và đã chuẩn bị nguồn lực cho chu kỳ sản xuất kinh doanh mới bắt đầu từ quý I/2025.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TMT đã tăng trần 6 phiên liên tiếp từ 25/12/2024 đến 2/1/2025. Thị giá tăng từ mức 7.030 đồng/cổ phiếu lên 10.500 đồng/cổ phiếu, tức tăng 49,3%. Khối lượng giao dịch từ 32.900 - 282.000 đơn vị/phiên.

Cập nhật đến 10h ngày 3/1/2025, cổ phiếu TMT tiếp tục giao dịch với mức giá trần 11.200 đồng/cổ phiếu, đã có 28.000 cổ phiếu được "sang tay", dư mua giá trần gần 173.000 đơn vị.

TMT cũng vừa công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025. Theo đó, công ty đặt mục tiêu sản lượng xe tiêu thụ 8.075 chiếc, trong đó xe điện là 3.404 chiếc. Tổng doanh thu chưa thuế VAT là 4.165 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 297 tỷ đồng.

Nhà phân phối xe điện Wuling Mini nói gì về việc cổ phiếu TMT tăng trần liên tiếp?- Ảnh 1.

Nguồn: TMT

Đồng thời, HĐQT TMT cũng thông qua việc thoái toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Cơ khí xây dựng và Tư vấn thiết kế 30/4.

Về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2024, TMT lỗ gần 93 tỷ đồng so với mức lãi hơn 140 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, TMT lỗ gần 192 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 2,4 tỷ đồng cùng kỳ. Mức lỗ này bằng khoảng 52% vốn điều lệ của công ty.

Trong năm 2024, Ô tô TMT đặt kế hoạch doanh thu 2.645,96 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 38,57 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2024 với việc ghi nhận lỗ gần 192 tỷ đồng, TMT còn cách rất xa kế hoạch.

TMT Motors là doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp xe gắn máy và ôtô tải với các dòng sản phẩm làm nên tên tuổi như xe tải Cửu Long, Tata, Howo, DFSK, TMT.

Năm 2022, doanh nghiệp đặt chiến lược phát triển trung và dài hạn trong lĩnh vực ôtô điện, chọn phân khúc xe nhỏ giá rẻ với mẫu Wuling HongGuang MiniEV tại Việt Nam.

Nhà phân phối xe điện Wuling Mini nói gì về việc cổ phiếu TMT tăng trần liên tiếp?- Ảnh 2.

TMT là nhà phân phối xe điện Wuling Mini của Trung Quốc tại Việt Nam

Doanh nghiệp hợp tác với SAIC GM Wuling Automobile và xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện theo tiêu chuẩn toàn cầu của GM tại Hưng Yên, năng lực sản xuất ban đầu 30.000 xe/năm.

Chỉ hơn một năm sau khi tham gia vào thị trường xe điện, TMT Motors đã đưa những chiếc ôtô điện mini đến tay khách hàng. Trước sự cạnh tranh của các đối thủ cùng phân khúc, hồi tháng 8/2024, doanh nghiệp đã phải hạ giá bán các phiên bản 120 km và 170 km của Wuling MiniEV về mức lần lượt là 197 triệu và 231 triệu đồng.

Hà Ly

Hà Thị Lưu Luyến

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nha-phan-phoi-xe-dien-wuling-mini-noi-gi-ve-viec-co-phieu-tmt-tang-tran-lien-tiep-205250103101027233.htm