Nha Trang sẽ là thành phố thương mại tài chính mang tầm khu vực vào năm 2030
Theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ có thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Trong định hướng phát triển tỉnh Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, TP. Nha Trang được định hướng duy trì là thành phố trong TP. Khánh Hòa. Trong đó, Nha Trang sẽ là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo và y tế của tỉnh Khánh Hoà; trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo và y tế của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 đang được trình phê duyệt cũng khẳng định TP. Nha Trang sẽ là trung tâm du lịch thương mại – tài chính dịch vụ hàng hải của vùng Nam Trung Bộ và cả nước. Về mục tiêu phát triển, TP. Nha Trang được xác định là một đô thị biển đảo, xanh, sạch và phát triển bền vững, có dịch vụ đa dạng, dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc gia và quốc tế, gắn với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, sinh thái đặc sắc; bước đầu trở thành một thành phố thương mại tài chính tầm vóc quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời, theo quy hoạch TP. Nha Trang cũng sẽ là trung tâm du lịch thương mại – tài chính dịch vụ hàng hải của vùng Nam Trung Bộ và cả nước; có vai trò và vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển. Đến năm 2030, dự báo TP. Nha Trang có quy mô dân số khoảng 640.000 người; còn đến 2040 đạt khoảng 780.000 người, sẽ hình thành 14 khu vực đô thị phát triển theo 3 hướng Nam, Bắc và Tây Bắc.
Mục tiêu dẫn đầu phát triển công nghiệp khu vực Duyên hải Nam Trung bộ
Với bờ biển dài hơn 385km, Khánh Hòa là tỉnh có bờ biển dài nhất Việt Nam. Khánh Hòa cũng có 3 vịnh lớn là Cam Ranh, Vân Phong và Nha Trang, sân bay quốc tế Cam Ranh, 3 cảng biển nước sâu, đường sắt, đường cao tốc Bắc – Nam và Đông – Tây. Đây là tiềm năng và lợi thế khác biệt không chỉ phát triển du lịch mà còn phát triển kinh tế biển, tạo tiền đề để phát triển Nha Trang trở thành thành phố thương mại tài chính mang tầm khu vực.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện nay tỉnh đang triển khai các dự án công nghiệp có quy mô lớn, khi hoàn thành sẽ tạo ra động lực phát triển đối với ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế của Khánh Hòa nói chung như: Hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Ninh Thủy; các cụm công nghiệp (CCN): Diên Thọ, Trảng É 2, Ninh Xuân, nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong I … Đồng thời tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu mới, như các nhà máy sản xuất tại các CCN: Trảng É 2, Sông Cầu, Diên Phú - VCN.
Khánh Hòa phấn đấu trở thành một trong những tỉnh có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và cả nước. Dự kiến đến năm 2030 toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ có 13 CCN với tổng diện tích 709,44ha, được phân bố tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Đến năm 2050, công nghiệp sẽ là một trong những ngành chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của tỉnh, trở thành trung tâm phát triển công nghiệp mới của vùng, có nền công nghiệp thông minh.
Nỗi lo thiếu hụt nhà ở chất lượng
Với định hướng phát triển công nghiệp, kinh tế biển song song phát triển du lịch, trở thành thành phố thương mại tài chính mang tầm khu vực vào năm 2030, Nha Trang - Khánh Hòa đang đứng trước tiềm năng tăng trưởng lớn mạnh về phát triển kinh tế. Kéo theo đó, nhu cầu nhà ở cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, Nha Trang thiếu hụt nguồn cung bất động sản để ở khi hầu hết các chủ đầu tư phát triển các dự án nghỉ dưỡng, cùng với đó vướng mắc về pháp lý là lý do khiến khoảng 2-3 năm gần đây thị trường Nha Trang rất ít dự án căn hộ được cấp phép mới và đi vào triển khai.
Thực trạng khan hiếm nguồn cung mới tại Nha Trang càng rõ khi nhìn rộng cả tỉnh Khánh Hòa. Báo cáo về tình hình nhà ở và thị trường BĐS của Sở Xây dựng Khánh Hòa cho hay, cả năm 2022, toàn tỉnh chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được cấp phép với 389 căn; 10 dự án nhà ở đang triển khai với 1.564 căn chung cư, 4.067 căn nhà riêng lẻ; 4 dự án hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán trong năm với 153 căn chung cư, 1.876 căn nhà riêng lẻ.
Số lượng căn hộ ít ỏi trong khi lực cầu không ngừng tăng là thách thức lớn đối với thị trường bất động sản nhà ở tại Khánh Hòa. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, từ đầu năm 2022, khi đại dịch vừa được kiểm soát, mức độ quan tâm đến chung cư của người dân Khánh Hòa tăng tới 41%.
Trước đó, thống kê của Hội môi giới BĐS Khánh Hòa cho thấy, tính riêng tại TP Nha Trang, trong giai đoạn 2011-2015 có khoảng 2.000 căn hộ được hấp thụ. Chỉ 5 năm sau đó, con số này tăng gấp 4 lần, đạt gần 8.000 căn. Điều này phần nào phản ánh sự gia tăng vượt bậc trong nhu cầu sở hữu bất động sản nhà ở của người dân nơi đây.
Đặc biệt, nhu cầu này được dự báo sẽ tăng mạnh khi Nha Tràng được định hướng phát triển lên thành phố trực thuộc trung ương theo mục tiêu đến năm 2030 với dân số dự kiến đạt khoảng 640.000 và đến năm 2040 khoảng 780.000 người. Song song đó, du lịch tại Nha Trang – Khánh Hòa cũng đang phục hồi mạnh mẽ. Các khu công nghiệp liên tục được lấp đây và mở rộng. Làn sóng tăng trưởng du lịch, công nghiệp sẽ kéo theo lượng nhân lực có nhu cầu ở lâu dài như chuyên gia, người lao động trong lĩnh vực…Tất cả cùng cộng hưởng, tạo nên lực cầu lớn về căn hộ để ở tại thủ phủ du lịch miền Trung.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở trong mục tiêu phát triển đô thị Nha Trang trở thành thành phố thương mại tài chính, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn trong năm 2023 với tổng nguồn vốn phát triển nhà ở khoảng 19.815 tỉ đồng. Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư cũng nắm được "vùng trũng" của bất động sản Khánh Hòa và có những kế hoạch phát triển đáp ứng nhu cầu nhà ở của thủ phủ du lịch này.
Thu Ngân