Bà Park Soon Ja là một người phụ nữ nghỉ hưu sau 50 năm làm nghề dọn dẹp vệ sinh.
Tuy nhiên biến cố đã xảy ra khi người phụ nữ này tin lời nhân viên ngân hàng, đầu tư một nửa trong số 660 triệu Won tiền tiết kiệm của mình vào một sản phẩm tài chính mà thậm chí chính ngân hàng cũng chưa chắc hiểu hết cách thức hoạt động của chúng.
Trên thực tế, bà Park chỉ là một trong số hàng trăm nghìn người tại Hàn Quốc bị nhân viên ngân hàng mời gọi đầu tư vào các dịch vụ tài chính chứng khoán ELS liên quan đến Hang Seng China Enterprises Index (HSCEI) tại Hong Kong.
Chứng khoán liên kết cổ phiếu (ELS) là một sản phẩm được liên kết với giá cổ phiếu hoặc chỉ số giá cổ phiếu để quyết định về tỷ lệ lợi nhuận. ELS chi trả tỷ lệ lợi nhuận cho nhà đầu tư nếu giá cổ phiếu hoặc chỉ số giá cổ phiếu không nằm ngoài phạm vi đã định trong thời hạn hợp đồng. Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu hoặc chỉ giá cổ phiếu biến động vượt ngoài phạm vi này thì nhà đầu tư sẽ bị mất khoản tiền gốc.
Việc các nhân viên ngân hàng tư vấn sản phẩm rủi ro ngay tại quầy giao dịch như một kênh gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao, đảm bảo an toàn và gần như không thể thua lỗ để rồi khiến người gửi mất sạch tiền đang trở thành tâm điểm của một trong những vụ bê bối lớn nhất ngành tài chính Hàn Quốc.
Các quan chức trong ngành ước tính thiệt hại của vụ bê bối này có thể lên đến 5,8 nghìn tỷ Won, tương đương 106,8 nghìn tỷ đồng hay 4,2 tỷ USD.
Đây được coi là cú sốc lớn chưa từng thấy trong ngành tài chính ngân hàng có tổng trị giá 94 nghìn tỷ Won ở Hàn Quốc, đồng thời làm xói mòn mạnh niềm tin của người dân vào các nhân viên ngân hàng.
"Nhân viên ngân hàng đã lừa dối tôi. Số tiền tiết kiệm đó là cả cuộc đời chắt chiu của tôi", bà Park nay đã 75 tuổi, nghẹn ngào nói.
Người phụ nữ đã nghỉ hưu này chưa học hết tiểu học và cũng chẳng biết dùng Internet.
Thế nhưng ngân hàng Kookmin Bank thuộc KB Financial Group, vốn là tổ chức tài chính bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, vẫn tư vấn cho bà thực hiện khoản đầu tư vào một sản phẩm tài chính phức tạp cách đây 3 năm.
Trên thực tế trong vài năm trở lại đây, chiêu trò lôi kéo người trung niên, cao tuổi và nghỉ hưu dồn tiền tiết kiệm của họ vào các sản phẩm tài chính rủi ro đang nở rộ ở nhiều ngân hàng Hàn Quốc.
Những tổ chức tài chính này cũng như nhiều nhà đầu tư nhẹ dạ đã bị thu hút bởi lợi nhuận cao trong bối cảnh lương hưu thấp, chi phí sinh hoạt đi lên còn những kênh chứng khoán truyền thống thì lợi nhuận quá nhỏ.
Tuy nhiên điều đáng chê trách hơn là vì phí hoa hồng mà nhiều ngân hàng sẵn sàng đảm bảo với khách hàng rằng những sản phẩm này "an toàn" dù thực tế chúng cực kỳ rủi ro.
"Thật khó để tìm một quốc gia nào mà ngân hàng bán lẻ chào bán các sản phẩm rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân với quy mô lớn đến như vậy", chuyên gia Lee Hyo Seob của Viện KCMI nhận định.
Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) cho biết hiện 5 ngân hàng và 6 công ty môi giới chứng khoán tại Hàn Quốc đã bị tố cáo có hành vi sai trái và sẽ phải bồi thường ước tính khoảng 2,8 nghìn tỷ Won.
Đạo đức kinh doanh ở đâu?
Các sản phẩm ELS được giới thiệu lần đầu tại Hàn Quốc vào năm 2003 như một lựa chọn bên cạnh dịch vụ tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng. Với mức thu nhập cao cũng như thủ tục dễ dàng, loại hình này nhanh chóng trở thành kênh đầu cơ cho những người nghỉ hưu có tiền tiết kiệm.
Tuy nhiên chính phủ Hàn Quốc lại đang lo lắng về rủi ro đạo đức kinh doanh (Moral Hazard ) của ngân hàng trong mảng này.
Dù có độ rủi ro cao và bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ, nhưng các ngân hàng vẫn dễ dàng mời gọi các nhà đầu tư cá nhân, phần lớn là những người già đổ tiền vào ELS.
Nguyên nhân chính là những khách hàng này chỉ cần ký vào một số giấy tờ là có thể giao dịch với mức lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với gửi tiết kiệm.
Thậm chí các nhân viên ngân hàng còn trực tiếp thuyết phục khách hàng tại quầy giao dịch rằng các sản phẩm này "an toàn", hầu như không có khả năng bị thua lỗ nhằm thu lợi nhuận từ mức phí cao, trong khi thực tế chính ngân hàng cũng không hiểu hết được mức độ rủi ro của sản phẩm.
Trước đó vào năm 2019, một vụ bê bối tương tự đã từng diễn ra với quy mô 1.000 tỷ Won, nhưng các ngân hàng vẫn không từ bỏ hành vi vô đạo đức này vì lợi nhuận.
Trong bối cảnh lãi suất thấp, ngành ngân hàng Hàn Quốc đang tìm đủ mọi cách để mở rộng tỷ suất lợi nhuận từ phí hoa hồng và ELS trở thành công cụ lý tưởng dù chúng có thể vi phạm đạo đức kinh doanh.
Những sản phẩm này có thể tạo ra lãi suất 4% so với mức lãi tiền gửi chỉ khoảng 1,2% hiện nay ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên điều ít ai nhắc đến là nếu chỉ số HSCEI như trong trường hợp của bà Park ở trên giảm 50% trở lên thì nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền gốc.
Điều trớ trêu là do chủ đích của nhân viên ngân hàng khi tư vấn, nhiều khách hàng vẫn lầm tưởng đây là một dạng khác của tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao.
Hậu quả là khi quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, chỉ số HSCEI đã giảm hơn 48%, nhiều khách hàng đã mất gần hết số tiền tiết kiệm.
Không còn hy vọng
Ông Ju Jae Hyeon, một công nhân đường sắt 51 tuổi đã nghỉ hưu cho biết mình hoàn toàn sốc khi biết số tiền tiết kiệm 210 triệu Won đầu tư theo lời tư vấn của Ngân hàng Kookmin đã bốc hơi 53%.
Theo ông Ju, vị công nhân đã nghỉ hưu này vẫn tin rằng tiền của mình được gửi dưới dạng tiền gửi cố định cho đến khi biết tin.
"Họ chỉ nhấn mạnh đến lợi suất cao hơn của sản phẩm. Tôi chưa bao giờ nhận được lời giải thích về các chỉ số đằng sau nó hoặc cách chúng được quản lý", ông Ju bức xúc nói.
Vụ việc này đã dẫn đến vô số khách hàng, chủ yếu là người già đến biểu tình trước cửa các ngân hàng để đòi bồi thường.
"Giới trẻ còn có thể làm việc kiếm tiền nhưng những người già nghỉ hưu như chúng tôi thì chẳng có nơi nào để làm việc nữa. Chẳng có hy vọng nào cả", ông Moon Kui Ho, một nạn nhân 78 tuổi của vụ bê bối trên than thở.
*Nguồn: Tổng hợp
Băng Băng