Nhật Bản có 9 triệu ngôi nhà hoang, đủ cho toàn bộ dân số Hà Nội: Nỗi khổ của quốc gia chống đầu cơ BĐS nhưng lại tạo nên vô số căn hộ trống

Nhật Bản đánh thuế rất nặng lên các khu đất trống nhằm chống đầu cơ BĐS, khiến nhiều chủ sở hữu thà để nhà hoang còn hơn tốn tiền phá dỡ xây mới.

(Vân)Nhật Bản có 9 triệu ngôi nhà hoang, thừa đủ cho toàn bộ dân số Hà Nội: Nỗi khổ của quốc gia chống đầu cơ BĐS nhưng lại tạo nên vô số căn hộ trống - Ảnh 1.

Hãng tin CNN cho hay số lượng nhà hoang ở Nhật Bản đã tăng lên mức kỷ lục 9 triệu căn, đủ cho toàn bộ dân số Hà Nội (8,4 triệu người), qua đó cho thấy nền kinh tế Châu Á này đang phải vật lộn với tình trạng suy giảm dân số đến mức nào.

Trước đây những căn nhà hoang thường được gọi là "Akiya" chủ yếu là những căn hộ vô chủ ở vùng nông thôn Nhật Bản. Thế nhưng ngày càng nhiều căn nhà hoang bắt đầu xuất hiện ở các thành phố lớn như Tokyo hay Kyoto.

Tình trạng dân số lão hóa nhanh cùng tỷ lệ sinh thấp khiến thị trường bất động sản nước này lâm vào cảnh trớ trêu.

"Nhật Bản không thiếu nhà mà chỉ thiếu người", giảng viên Jeffrey Hall của trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda nhận định.

Số liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho thấy 14% tổng số nhà ở Nhật Bản hiện đang bị bỏ trống, bao gồm cả những nhà hoang lẫn nhà trống tạm thời do chủ đi vắng.

(Vân)Nhật Bản có 9 triệu ngôi nhà hoang, thừa đủ cho toàn bộ dân số Hà Nội: Nỗi khổ của quốc gia chống đầu cơ BĐS nhưng lại tạo nên vô số căn hộ trống - Ảnh 2.

Vấn nạn nhà hoang

Những căn nhà hoang Akiya thường là những căn hộ được truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên do tỷ lệ sinh giảm nên nhiều gia đình không có người thừa kế hoặc lớp trẻ đã bỏ lên thành phố mà không quay trở về nông thôn nữa.

Theo CNN, tình hình hiện nay nghiêm trọng đến mức nhiều căn nhà bị bỏ trống vì chính quyền địa phương không biết ai là chủ sở hữu.

Xin được nhắc rằng cơ chế hành chính tại Nhật Bản bao gồm việc lưu giữ hồ sơ khá kém do không áp dụng các công nghệ tiên tiến. Việc dùng dấu mộc, máy fax hay đĩa mềm vẫn còn được sử dụng tại Nhật Bản khiến việc lưu trữ, truy tra hồ sơ cực kỳ khó khăn.

Đó là chưa kể lượng lao động suy giảm khiến số nhân viên hành chính cũng giảm theo tại các vùng nông thôn, gây suy giảm hiệu quả dịch vụ công.

Điều trớ trêu là việc không dỡ bỏ các nhà hoang này do không xác định được chính chủ khiến nhiều khu vực nông thôn khó thu hút nhà đầu tư hay những người trẻ tuổi về đây làm việc, sinh sống.

Bên cạnh đó, do chính sách thuế của Nhật Bản đánh rất nặng lên những khu đất trống nhằm chống đầu cơ BĐS nên nhiều chủ sở hữu thà giữ lại căn nhà hoang còn hơn tốn tiền dỡ bỏ và tái xây dựng.

Thậm chí khi xây mới, người bán cũng khó tìm người mua do dân số suy giảm, dịch chuyển hết lên các vùng trung tâm đô thị.

"Nhiều ngôi nhà hoang thậm chí còn chẳng được tiếp cận với mạng lưới giao thông công cộng hay các cửa hàng tiện lợi, bệnh viện...", giảng viên Hall của trường Kanda nói.

Mặc dù mạng xã hội thường quay các video về người nước ngoài mua nhà giá rẻ tại Nhật Bản để biến chúng thành nhà nghỉ, quán cà phê trong bối cảnh du lịch nước này phát triển trở lại do đồng Yên yếu. Tuy nhiên giảng viên Hall cho biết điều này không dễ như nhiều người nghĩ.

"Sự thật là hầu hết những ngôi nhà này sẽ không được bán cho người nước ngoài do thủ tục hành chính quá phức tạp cho những người mua không thể nói hay đọc tiếng Nhật tốt. Họ chắc chắn không thể mua hết được những căn nhà hoang này với giá rẻ đâu", ông Hall cho hay.

Quá ít người

Hãng tin CNN cho hay dân số Nhật Bản đã liên tục giảm trong vài năm trở lại đây. Năm 2022, dân số nước này đã giảm 800.000 người xuống chỉ còn 125,4 triệu người.

Năm 2023, số ca sinh mới đã giảm năm thứ 8 liên tiếp xuống mức thấp kỷ lục.

Tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã dao động quanh mức 1,3 trong nhiều năm, khác xa so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Mới đây, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết số trẻ em dưới 15 tuổi đã giảm năm thứ 43 liên tiếp xuống mức kỷ lục 14 triệu em tính đến ngày 1/4/2024.

Điều này cho thấy vấn nạn nhà hoang của Nhật Bản sẽ còn lan rộng.

(Vân)Nhật Bản có 9 triệu ngôi nhà hoang, thừa đủ cho toàn bộ dân số Hà Nội: Nỗi khổ của quốc gia chống đầu cơ BĐS nhưng lại tạo nên vô số căn hộ trống - Ảnh 4.

Giáo sư Yuki Akiyama của Đại học Thành phố Tokyo cho hay những căn nhà hoang này do quá xuống cấp nên rất dễ sụp đổ trong các vụ thiên tai như động đất hay sóng thần, qua đó gây thêm nguy hiểm cho người dân trong vùng.

Khi đổ sụp, chúng không chỉ gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh mà còn có thể chặn đường di tản của mọi người.

Công cuộc tái thiết hậu thiên tai cũng gặp khó khăn do chính quyền khó thống kê được thiệt hại vì không xác định được chủ sở hữu.

Ngay cả các nhà hoạch định chính sách cũng khó lòng quy hoạch phát triển toàn vùng do vướng những căn nhà hoang khó xác định được người chủ thừa kế còn sống hay không, do đó không thể mua bán để giải phóng mặt bằng.

Việc không có quy hoạch càng khiến nhiều người cho rằng vùng đất đó không có giá trị, qua đó kéo giá BĐS toàn khu vực đi xuống.

*Nguồn: CNN

Băng Băng

Băng Băng

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nhat-ban-co-9-trieu-ngoi-nha-hoang-du-cho-toan-bo-dan-so-ha-noi-noi-kho-cua-quoc-gia-chong-dau-co-bds-nhung-lai-tao-nen-vo-so-can-ho-trong-20514161.htm