Nhiều 'đại gia' thép giảm lương, thù lao của lãnh đạo

Do nhiều khó khăn và biến động vừa qua cũng như những dự báo trong tương lai, không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép như HPG, HSG... đã cắt giảm hàng trăm triệu tiền thù lao từ Ban điều hành cho đến Chủ tịch HĐQT.

hpg-giam-thu-lao-lanh-dao-antt-1679998047.jpeg

Các thành viên của HĐQT của Hòa Phát sẽ không nhận thù lao cho năm 2022. Ảnh minh họa: VnEconomy.

Thành viên HĐQT của Hòa Phát sẽ không nhận thù lao năm 2022

Mới đây CTCP Tập đoàn Hòa Phát (MCK: HPG, HoSE) đã công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua các nội dung trình cổ đông tại phiên họp Đại hội Cổ đông thường niên năm 2023 dự kiến diễn ra vào 30/3/2023.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Hòa Phát đề xuất trích quỹ khen thưởng phúc lợi 42,2 tỷ đồng và không trích lập các quỹ đầu tư phát triển, thù lao HĐQT, khen thưởng ban điều hành. Như vậy, các thành viên của HĐQT sẽ không nhận thù lao cho năm 2022, trong khi năm trước đó, HPG đã chi thù lao cho các thành viên này lên đến 118 tỷ đồng.

Năm 2022, tổng số tiền lương và thưởng cho ban giám đốc tăng 35% so với năm 2021, đạt mức 5,26 tỷ đồng. Ban giám đốc của HPG bao gồm 4 thành viên, tương đương trung bình mỗi thành viên sẽ có mức thu nhập khoảng hơn 1,3 tỷ đồng/năm (khoảng 109 triệu đồng/tháng). Bên cạnh đó, các thành viên ban kiểm soát cũng được tăng mức thù lao, lương và thưởng lên 2,2 tỷ đồng; các cán bộ quản lý chủ chốt khác được chi tổng số tiền là 2,6 tỷ đồng.

Về phương án cho năm 2023, HPG dự kiến sẽ sử dụng tối đa 5% lợi nhuận sau thuế, khoảng 400 triệu đồng, cho quỹ khen thưởng phúc lợi. Tối đa 1% lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ được dùng làm thù lao cho HĐQT, khoảng 80 triệu đồng.

Đồng thời, HPG cũng không có kế hoạch chia cổ tức năm 2023 như năm trước đó. Trong năm 2022, công ty đã đề xuất sử dụng toàn bộ lợi nhuận còn lại (8.402 tỷ đồng) cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế cả năm 2022, CTCP Tập đoàn hòa Phát ghi nhận mức doanh thu giảm 5% so với cùng kỳ, đạt gần 142.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 76% so với năm trước, đạt hơn 8.400 tỷ đồng. So với mục tiêu Đại hội Cổ đông đề ra cho năm 2022, con số thực tế đều thấp hơn mục tiêu, lần lượt chỉ đạt được 89% và 28%. 

Trong năm 2023, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu là 150.000 tỷ đồng, tăng 6% so với mức thực hiện năm 2022. Trong khi đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại ở mức 8.000 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2022 (tương đương với kết quả giai đoạn 2017-2019 của doanh nghiệp).

tap-doan-hoa-sen-cat-hon-400-trieu-thu-lao-cua-cac-sep-antt-1679998171.jpg

Tập đoàn Hoa Sen "cắt" hơn 400 triệu thù lao của các “sếp”. Ảnh minh họa

Tập đoàn Hoa Sen "cắt" hơn 400 triệu thù lao của các “sếp”

Tổng cộng 21 tỷ đồng đã được Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (MCK: HSG, HoSE) sử dụng để chi trả lương và thưởng cho các nhân sự chủ chốt trong năm tài chính 2022. 

HĐQT Hoa Sen hiện có 6 thành viên, không có sự biến động so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ông Lê Phước Vũ- Chủ tịch HĐQT, nhận mức lương là 360 triệu đồng/năm, các thành viên còn lại của HĐQT cũng nhận mức lương khoảng 240-360 triệu đồng/người/năm. Tổng thù lao các thành viên HĐQT nhận được là 1,86 tỷ đồng; tổng giám đốc nhận 2,7 tỷ đồng còn các thành viên khác của ban tổng giám đốc và HĐQT và được nhận 16,5 tỷ đồng.

Trong kỳ từ 1/10/2022 đến 31/12/2022, Hoa Sen ghi nhận thù lao HĐQT là 585 triệu đồng và 3,1 tỷ đồng là lương cho ban tổng giám đốc, giảm hơn 400 triệu đồng so với kỳ trước.

Về tình hình kinh doanh, trong niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen ghi nhận mức doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 50.090 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ bằng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 329,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của công ty này cũng giảm mạnh về mức 251,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước ở mức 4.313 tỷ đồng. 

Trong một diễn biến khác, mới đây, Hoa Sen bị Cục Thuế tỉnh Bình Dương xử phạt hơn 730 triệu đồng do hạch toán không đúng doanh thu, chi phí, thu nhập khác niên độ 2020-2021 dẫn đến thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT gần 2,08 tỷ đồng. Về hình thức xử phạt, HSG bị phạt tiền gần 416 triệu đồng và phải nộp thêm hơn 317 triệu đồng tiền chậm nộp thuế. Như vậy, tổng tiền truy thu và phạt doanh nghiệp này phải nộp là 2,81 tỷ đồng.

Theo như dự báo, năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn đối với ngành thép khi thị trường bất động sản gần như đóng băng vì các vấn đề lãi suất vay đã bị đẩy lên rất cao. Do vậy, thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá bán của thép sẽ có nhiều biến động. Triển vọng trong tương lai của ngành thép phụ thuộc vào tiến độ giải ngân đầu tư công trong những năm tới khi đây sẽ là động lực tăng trưởng chính của các doanh nghiệp ngành thép. Do đó, những khó khăn và thách thức đối với ngành thép có khả năng kéo dài đến quý II/2023.

Theo nhận định của Công ty cổ phần SSI, nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt. Theo Bộ Xây dựng, số lượng căn hộ mới được cấp phép xây dựng trong 3 quý đầu năm 2022 giảm 41% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại, do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản. Kênh hộ gia đình cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế nói chung, với tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất cao hơn.

Bình Đức (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nhieu-dai-gia-thep-giam-luong-thu-lao-cua-lanh-dao-205597777.htm