Nhiều doanh nghiệp nợ cổ tức hàng chục năm chưa trả

Trong khi nhiều doanh nghiệp chi trả cổ tức cao, đúng hạn thì vẫn có một số doanh nghiệp xin khất nợ cổ tức của nhà đầu tư do khó khăn về dòng tiền, thậm chí có những công ty kéo dài hơn chục năm qua khiến cổ đông ngán ngẩm.

nhieu-doanh-nghiep-no-co-tuc-hang-chuc-nam-chua-tra-antt-1693901086.jpg
Nhiều doanh nghiệp nợ cổ tức hàng chục năm chưa trả.

Mới đây, Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (mã chứng khoán SJS) thông báo lùi thời gian trả cổ tức năm 2016 (tỷ lệ 10%) và 2017 (tỷ lệ 10%) đến hết năm 2024.

Điều này tương đương kéo dài thời gian thêm 1,5 năm so với thông báo cũ là sẽ chi trả vào cuối tháng 6 vừa qua. Vẫn với lý do quen thuộc là công ty chưa có đủ nguồn tiền để thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông như đã thông báo.

Tương tự, Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận (mã chứng khoán ABS) cũng vừa thông báo gia hạn lần thứ 5 về việc trả cổ tức bằng tiền năm 2021 sang ngày 29/9 thay vì thanh toán vào cuối tháng 8 như thông báo trước đây. Công ty không nêu lý do cụ thể. Còn theo thông báo dời lần thứ 4 thì công ty cho biết do khó khăn chung ảnh hưởng đến nguồn thu từ khách hàng, kế hoạch thu không đúng như dự kiến nên công ty cần thêm thời gian cân đối dòng tiền.

Trong khi đó, đối với Công ty SJC, đây là lần thứ 9 trì hoãn việc thanh toán cổ tức 2016 và là lần thứ 5 trì hoãn chi trả cổ tức 2017 cho cổ đông. Thậm chí, vào giữa năm 2019 và đầu tháng 12/2021, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã phải có công văn nhắc nhở công ty nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ chi trả cổ tức cho cổ đông theo đúng quy định hiện hành và đề nghị doanh nghiệp giải trình về nguồn tiền để trả cổ tức cho cổ đông.

Hay Công ty CP Dầu khí Đông Đô (mã chứng khoán PFL) thậm chí tiếp tục khất nợ cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2010 khi dời ngày thanh toán từ cuối tháng 6/2023 đến cuối tháng 6/2025 với lý do hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công tác thu hồi vốn, thu hồi nợ hay thoái vốn tại các dự án không đạt như kế hoạch đề ra. Công ty ưu tiên tập trung vốn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh và chưa cân đối đủ nguồn tiền để thanh toán cổ tức. Như vậy, công ty này đã khất nợ cổ tức với cổ đông đến 15 năm.

Trước đó, Công ty CP Lilama 45.4 (mã chứng khoán L44) cũng đã thông báo dời việc thanh toán cổ tức năm 2012, 2013 bằng tiền từ cuối năm 2022 sang cuối năm 2023. Đây là lần thay đổi thứ 8 của công ty.

L44 cho biết đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ tồn đọng tiền lương người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm…) với số tiền lớn. Công ty sẽ sắp xếp nguồn vốn và ưu tiên trả các khoản nợ người lao động, ngân sách, do đó chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức...

Cùng chung số phận, trước đó, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - HPX) đã có văn bản giải trình về việc chưa thực hiện chi trả cổ tức năm 2021 sau khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở. Cụ thể, công ty đã ban hành nghị quyết thông qua việc chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 với tỷ lệ 5%, tương ứng 500 đồng/cổ phiếu. Thời hạn cuối cùng doanh nghiệp phải thực hiện chi trả là tháng 10/2022. Tuy nhiên đến nay, doanh nghiệp chưa thực hiện chi trả khoản cổ tức nói trên. Ước tính, Hải Phát Invest sẽ chi khoảng 152 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021.

Theo giải trình của Hải Phát Invest: Nửa cuối năm 2022 là thời điểm vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản nói chung và công ty nói riêng do thị trường bất động sản suy thoái, mất thanh khoản, việc tiếp cận các nguồn vốn từ tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu không thực hiện được. Bên cạnh đó là làn sóng bán giải chấp cổ phiếu bất động sản cầm cố cho các khoản vay margin của các công ty chứng khoán liên tục diễn ra để thu hồi nợ trước hạn. Do vậy, từ tháng 10/2022 cho đến nay, công ty chịu áp lực lớn về việc trả nợ các khoản vay, trái phiếu đến hạn và dòng tiền đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của công ty âm.

Hiện tại, công ty chưa cân đối, bố trí được dòng tiền để thực hiện chi trả cổ tức, không đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn sau khi trả cổ tức cho cổ đông. Để khắc phục vấn đề trên, Hải Phát Invest cho biết đang tiến hành tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại các khoản nợ, gia hạn nợ đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ chung sức từ cổ đông nhằm giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tư Viễn (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nhieu-doanh-nghiep-no-co-tuc-hang-chuc-nam-chua-tra-2053912.htm