Kê khai, thu, nộp phí, lệ phí
Nghị định 82/2023/NĐ-CP ngày 28-11-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23-8-2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung tên điều và các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều 3 như sau: Điều 3. Kê khai, thu, nộp phí, lệ phí và quyết toán phí.
Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho tổ chức thu hoặc kho bạc nhà nước bằng các hình thức: Nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.
Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, gồm 10 Chương, 96 Điều quy định về quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Luật áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu gồm: hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện; hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Luật Đấu thầu mới cũng bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Đơn cử, cấm nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu (thông thầu).
Hay có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.
Luật Giá (sửa đổi)
Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024.
Về cơ bản, Luật Giá sửa đổi vẫn điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá. Tuy nhiên, với các vấn đề về giá đất, giá nhà ở, giá điện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình thì thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành.
Xăng, dầu thành phẩm tiếp tục được quy định là mặt hàng bình ổn giá.
Bên cạnh đó, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh, sẽ được Nhà nước định giá.
Luật mới cũng bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, sẽ xử phạt đối tượng có các hành vi loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ.
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nhieu-luat-nghi-dinh-trong-linh-vuc-kinh-te-bat-dau-co-hieu-luc-trong-nam-2024-2057618.htm