Phát triển hạ tầng giao thông được coi là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Năm 2023 vừa qua đã ghi dấu ấn với nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam.
Lần đầu phân cấp nhiều dự án, thủ tục hành chính cho địa phương
Đến hết năm 2023, có tới 25 dự án đường bộ cao tốc đã được phân cấp địa phương là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản.
Trong đó, có 9 dự án đầu tư công, gồm các tuyến cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Tuyên Quang - Hà Giang, Hòa Bình - Mộc Châu; Tuyên Quang - Phú Thọ; cầu Sông Đáy thuộc dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng và dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; 16 dự án đầu tư theo phương thức PPP. Đến nay đã có 4 dự án hoàn thành đưa vào khai thác (Bắc Giang - Lạng Sơn, Quảng Ninh - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái); 5 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư và 7 dự án đang lập chủ trương đầu tư.
Việc phân cấp phân quyền triệt để cho địa phương quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, phương tiện và người lái đang tạo ra luồng gió mới, phát huy nguồn lực, sự chủ động của địa phương, góp phần thực hiện các mục tiêu chung về giao thông vận tải.
Thi công “thần tốc”, hoàn thành gần 500km đường cao tốc
Trong những ngày cuối năm 2023, công trường thi công các dự án cao tốc gấp rút đẩy nhanh tiến độ và kịp thông xe thêm 2 dự án cao tốc là cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Như vậy, trong năm 2023, có 9 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam đã hoàn thành và đi vào khai thác, với tổng chiều dài đạt 475km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc của cả nước lên 1.892km.
Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết dài 99km, thông xe toàn tuyến từ ngày 29/4, bắt đầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đúng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Đây là công trình hạ tầng quan trọng, giúp kết nối TP.HCM và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ với Duyên hải Nam Trung Bộ. Nhờ cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, thời gian đi từ TP.HCM về Mũi Né rút ngắn chỉ còn khoảng 2-2,5 giờ, giảm một nửa so với đi đường Quốc lộ 1A. Tuyến cao tốc này cũng kết nối với sân bay Long Thành, tạo một trục giao thông liền mạch giữa TP.HCM – Long Thành – Phan Thiết nên việc di chuyển từ các tỉnh phía Bắc tới Bình Thuận cũng dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn. Đây cũng là động lực mới cho thị trường mua bán nhà đất Phan Thiết, đặc biệt là các bất động sản phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng khi đón lượng khách lớn từ phía Nam ra.
Ở phía Bắc, cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ dài 40km, vừa thông xe ngày 24/12 được đánh giá là thành tựu nổi bật khi vượt tiến độ gần 3 năm so với kế hoạch ban đầu. Công trình vốn được quy hoạch triển khai thành 2 giai đoạn, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026 nhưng sau chuyến thị sát đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu gộp 2 giai đoạn để triển khai ngay, dồn lực đẩy nhanh tiến độ nhất có thể. Đây là tuyến cao tốc kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai, trong tương lai sẽ kết nối lên Hà Giang nên có ý nghĩa quan trọng với phát triển du lịch, kinh tế-xã hội khu vực cửa khẩu phía Bắc.
Các dự án cao tốc hoàn thành và đi vào khai thác trong năm 2023 đã tạo thêm nhiều mạng lưới giao thông huyết mạch, cải thiện rõ nét bức tranh hạ tầng giao thông Việt Nam, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội các địa phương nơi cao tốc đi qua.
Đồng loạt khởi công các dự án giao thông trọng điểm
Trong vòng 1 năm, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công 26 dự án, bao gồm 18 dự án đường bộ, 3 dự án đường sắt, 2 dự án đường thủy, 2 dự án hàng hải và 1 dự án cải tạo trụ sở Bộ (dự án thuộc khối xây dựng). Đáng chú ý, có 6 dự án trọng điểm quốc gia đã được rút ngắn thời gian khởi công, sớm 1 năm so với quy trình, thủ tục thông thường.
Trước khối lượng công việc được giao rất lớn, ngay từ đầu năm 2023, các địa phương cũng đã đồng hành với Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị các nguồn lực để khởi công liên tiếp nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia. Nổi bật nhất là 2 dự án vành đai – Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô, 11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông (giai đoạn 2021-2025), cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, nhà ga hành khách sân bay Long Thành (Gói thầu 5.10), nhà ga T3-sân bay Tân Sơn Nhất,…
Bên cạnh các dự án hoàn toàn mới, các dự án hạ tầng giao thông dang dở, chậm tiến độ nhiều năm cũng được tái khởi động và dồn lực thi công trong năm 2023. Đơn cử, tại TP.HCM, các dự án đáng chú ý gồm: cầu Long Đại (thông xe tháng 12/2023), cầu Nam Lý (dự kiến thông xe dịp Quốc khánh 2024), dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp, nút giao An Phú,… Thành phố cũng đang nghiên cứu phương án triển khai đầu tư các dự án khép kín Vành đai 2 với 4 đoạn chưa hoàn thành.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục
Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải lập kỷ lục về giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ trước tới nay, với khoảng 94.161 tỷ đồng. Đầu năm, Bộ này được Chính phủ giao tổng vốn đầu tư 114.000 tỷ đồng, ngoài ra còn có hơn 19,9 tỷ đồng vốn sự nghiệp kinh tế để phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Vượt qua nhiều khó khăn trong bối cảnh tình hình cung ứng nguyên vật liệu khan hiếm, thời tiết, thiên tai diễn biến khó lường và nội lực của các doanh nghiệp chủ đầu tư, nhà thầu, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân đạt khoảng 90% kế hoạch được giao, dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ đạt trên 95%, vượt mức bình quân chung của cả nước.
Hà Anh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nhin-lai-dau-an-thi-cong-va-giai-ngan-cua-nganh-giao-thong-nam-2023-2059267.htm