Nhóm AAS đã ‘phân phối’ các trái phiếu thế nào?

Hoạt động phân phối trái phiếu của nhóm AAS có liên quan tới CTCP Đầu tư Sao Thăng Long và CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á – 2 pháp nhân liên hệ tới chính AAS.

Như đã đề cập trong bài viết trước, với một hệ sinh thái đồ sộ trong tay, AAS và loạt các thành viên liên hệ đã hoạt động rất tích cực trên thị trường trái phiếu. Một công thức chung mà nhóm này sử dụng là công ty chứng khoán và (hoặc) tổ chức liên hệ đứng ra mua toàn bộ để đảm bảo đợt phát hành thành công, sau đó sẽ phân phối cho các thành viên khác trong nhóm, và kế đến là các nhà đầu tư cá nhân “nhỏ lẻ”.

Ngược về hồi năm 2018, AAS là trái chủ nắm toàn bộ 50 tỷ đồng trái phiếu mã DEMODABOND của CTCP Quản lý tài sản Smart Invest (thời điểm đó tên là CTCP Thời trang & May mặc Demoda) và 40 tỷ đồng trái phiếu CTCP Du lịch Sinh thái Kim Lan (phát hành tháng 6/2018, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 9%) – lô trái phiếu này theo ghi nhận không có dữ liệu trên Chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội.

Nhóm AAS đã ‘phân phối’ các trái phiếu thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

AAS cho biết 2 lô trái phiếu trên được mua theo hợp đồng tư vấn bảo lãnh phát hành trái phiếu. Trong năm 2019, AAS đã chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư trái phiếu này cho các cho nhà đầu tư khác. Theo tìm hiểu, bên nhận chuyển nhượng toàn bộ lô trái phiếu DEMODABOND chính là CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (mã DST) – một pháp nhân nhiều liên hệ với AAS.

Như đã đề cập, ông Nguyễn Đức Hiếu – Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật DST, cũng đồng thời là Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest (đề cập bài viết trước). Không những thế, ông Hiếu cũng từng là cổ đông lớn tại Chứng khoán SmartInvest.

Tiếp đến, vào cuối năm 2020, BCTC của DST ghi nhận công ty đầu tư 2 trái phiếu là DEMODABOND (giá trị khi này chỉ còn 20 tỷ đồng) và lô trái phiếu không rõ danh tính của DL ST Kim Lan (20 tỷ đồng). Nhiều khả năng, một phần của 2 lô trái phiếu này đã được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác. Cho đến cuối năm 2021, cả 2 lô trái đều không còn xuất trên BCTC DST (2021 là năm đáo hạn của 2 trái phiếu).

Nghiệp vụ kể trên tiếp tục được lặp lại. AAS là trái chủ duy nhất mua vào toàn bộ 160 tỷ đồng trái phiếu mã DMDCH2124001 của CTCP Quản lý tài sản Smart Invest (CTCP Quản lý Tài sản Pyxis - tên cũ CTCP Thời trang & May mặc Demoda; và 80 tỷ đồng trái phiếu KMLCH2124001 (tổng giá trị 100 tỷ đồng).

Lô trái phiếu DMDCH2124001 sau đó được phân phối cho chính DST khi công ty này nắm 39,2 tỷ đồng trái phiếu. Ngoài ra, DST cũng song hành cùng AAS khi là trái chủ nắm 20 tỷ đồng còn lại của trái phiếu KMLCH2124001. Đến năm 2022, DST không còn nắm trái phiếu DMDCH2124001 và KMLCH2124001. Đây cũng là thời điểm 2 lô trái phiếu này được TCPH mua lại trước hạn.

Chưa dừng lại ở đó, AAS tính đến cuối năm 2021 còn sở hữu sở hữu 170,2 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest. Dù không công bố cụ thể thông tin, song có thể đây là trái phiếu mã TQSCH2131001 (376,8 tỷ đồng – phát hành ngày 27/12/2021).

Dữ liệu ghi nhận, một pháp nhân liên quan ông Trần Minh Tuấn là CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (mã DAH) trong năm 2021 cũng nắm 124 tỷ đồng trái phiếu TQSCH2131001. Ngoài ra, DAH còn đầu tư 20 tỷ đồng trái phiếu CLRCH2124001 CTCP Đầu tư Công nghệ SmartTech (tên cũ: CTCP Thời trang Clothesrack) phát hành. Tương tự DST, DAH trong năm 2022 không còn nắm giữ lô trái phiếu nào. 2022 cũng là năm CLRCH2124001 và TQSCH2131001 được mua lại trước hạn.

Vai trò của AAS – DST – DAH – 3 còn thực hiện nhiều giao dịch mua bán, chuyển nhượng vốn đáng chú ý. Quá trình này gắn liền với giai đoạn những pháp nhân này thực hiện tái cấu trúc, tăng vốn và thực hiện loạt giao dịch M&A. Chi tiết cụ thể về nhóm này sẽ được đề cập trong một dịp khác.

Không cung cấp đủ tài liệu hợp đồng đặt cọc mua trái phiếu

Trong kết luận thanh tra của UBCKNN, một điểm đáng chú ý là AAS bị xử phạt 187,5 triệu đồng do có hành vi vi phạm quy định về hạn chế cho vay. Cụ thể, công ty cho các khách hàng vay tiền qua hình thức thực hiện đặt cọc tiền mua trái phiếu nhưng không thực hiện mua bán mà giao tiền cho các khách hàng trong thời gian nhất định theo thoả thuận và có hoàn trả gốc và phí; Công ty cho CTCP Đầu tư Sao Thăng Long, tổ chức có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị vay ứng trước tiền bán chứng khoán tại ngày 20/12/2022.
Ngoài ra, AAS bị xử phạt 85 triệu đồng do không xác định được số lượng và giá trị và không cung cấp được đầy đủ tài liệu của các hợp đồng đặt cọc mua trái phiếu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2022 đến ngày 11/7/2024.

Đặng Thị Quỳnh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nhom-aas-da-phan-phoi-cac-trai-phieu-the-nao-205241210122357881.htm