Nhóm ngân hàng Big4 'rục rịch' tăng vốn

Các ngân hàng trong nhóm Big4 đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong thời gian tới nhằm giúp củng cố nguồn lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã có văn bản chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thêm tối đa 6.419 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 đã được ĐHĐCĐ thông qua ngày 28/4/2023.

nhom-ngan-hang-big4-ruc-rich-tang-von-antt-1698138546.PNG
Các ngân hàng trong nhóm Big4 đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của BIDV ở mức hơn 10.072 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ hơn 6.474 tỷ đồng.

BIDV dự kiến sẽ phát hành tối đa 641,9 triệu cổ phiếu phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tương ứng tỷ lệ phát hành là 1,69% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian phát hành dự kiến vào quý IV/2023.

Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá đạt 6.419 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 50.585 tỷ đồng lên 57.004 tỷ đồng.

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả.

BIDV có trách nhiệm trình NHNN hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.

Với việc tăng vốn lên hơn 57.000 tỷ đồng, BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong nhóm Big4 và đứng thứ 2 toàn hệ thống, chỉ đứng sau VPBank.

Trước đó tại ĐHĐCĐ 2023, BIDV đã đặt mục tiêu nâng vốn điều lệ lên 61.557 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, bao gồm 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và 455 triệu cổ phiếu thông qua hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Ngoài BIDV, các ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 cũng đang hoàn tất thủ tục để thực hiện việc tăng vốn.

Tại báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng năm 2023, định hướng năm 2024, NHNN đã trình phương án tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.

Trong đó, NHNN đã có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn Nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.

Bên cạnh đó, NHNN có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính về Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietinbank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009 - 2016 và năm 2021.

Cơ quan này cũng đang dự thảo văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành về dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Tờ trình Quốc hội đối với phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018.

Bạch Hiền (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nhom-ngan-hang-big4-ruc-rich-tang-von-2054973.htm