Những cặp anh - em trong ban lãnh đạo ngân hàng Việt

Ở thời điểm hiện tại, xu hướng đưa người nhà vào ban lãnh đạo tại các ngân hàng tư nhân của Việt Nam ngày càng rõ nét khi mà không ít nhà băng hiện đang hoạt động với "mô hình" anh em cùng đảm nhiệm vị trí quan trọng.

nhung-cap-anh-em-quyen-luc-trong-ban-lanh-dao-ngan-hang-viet-antt-1686710506.PNG
Không ít ngân hàng hiện đang hoạt động với "mô hình" anh em cùng đảm nhiệm vị trí quan trọng. Ảnh minh họa

Techcombank

Không chỉ có LPBank, "mô hình" anh trai làm Chủ tịch, em trai giữ chức Phó Chủ tịch cũng “xuất hiện tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, MCK: TCB).

Cụ thể, tháng 4/2021, Techcombank bổ nhiệm ông Hồ Anh Ngọc- em trai ông Hồ Hùng Anh-Chủ tịch HĐQT, làm Phó Chủ tịch HĐQT nhà băng này.

Trước đó, từ năm 2007, doanh nhân Hồ Anh Ngọc (SN 1982) đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Techcombank như: Trợ lý ban Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ Dịch vụ tiêu dùng, Phó Giám đốc/Giám đốc Techcombank Chi nhánh TP.HCM, Giám đốc điều hành khối dịch vụ Ngân hàng tài chính cá nhân

Ngoài ra, ông Ngọc còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn One Mount, Chủ tịch HĐQT CTCP 1MG Housing, Chủ tịch HĐQT CTCP One Distribution.

Hiện, ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB, tương ứng gần 1,12% vốn điều lệ ngân hàng này.

Ông Hồ Anh Ngọc không sở hữu cổ phần tại Techcombank nhưng vợ ông Ngọc là bà Nguyễn Hương Liên lại đang nắm giữ khoảng 69,6 triệu cổ phiếu TCB (tương đương gần 2% cổ phần).

Bên cạnh là cổ đông của TCB, bà Nguyễn Hương Liên còn được biết đến là cổ đông chi phối tại nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH hợp tác kinh doanh và phát triển Isado, CTCP CLB đầu tư và phát triển Việt Nam; CTCP TC Advisors.

Nữ doanh nhân sinh năm 1985 này còn là thành viên HĐQT của Masterise Group và thường xuất hiện tại buổi lễ ký kết, hợp tác hay ra mắt các dự án mới với tư cách là đại diện cho HĐQT của Tập đoàn này.

Đáng chú ý, từng có giai đoạn từ 2011-2013 ông Hồ Anh Ngọc làm Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thảo Điền, tiền thân của Masterise Group ngày nay.

TPBank

Đỗ gia là một trong những gia tộc giàu có nổi tiếng ở Việt Nam với truyền thống kinh doanh, nổi bật là cố doanh nhân Đỗ Thế Sử. Các người con của ông Sử đều là những doanh nhân đình đám hoặc là giáo sư tiến sĩ đầu ngành.

Trong đó, phải kể đến ông Đỗ Minh Phú- Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI và Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, MCK: TPB) và ông Đỗ Anh Tú- Phó chủ tịch HĐQT TPBank và Tổng Giám đốc Công ty CP Diana.

Theo báo cáo quản trị năm 2022, ông Tú sở hữu hơn 58,64 triệu cổ phiếu TPB (tương ứng tỷ lệ 3,71%). Ngoài ra, vợ và các con của ông Tú cũng sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu TPB với tổng tỷ lệ 6,5%.

Hai con của ông Đỗ Minh Phú hiện cũng đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu tại TPBank. Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, ông Đỗ Minh Đức và bà Đỗ Vũ Phương Anh có cùng sở hữu gần 17,6 triệu TPB, tương ứng tỷ lệ 1,11%.

ABBank

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) được thành lập năm 1993. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất của ABBank, tính đến 31/12/2022, vốn điều lệ của ngân hàng này là hơn 9.409 tỷ đồng.

ABBank có 3 cổ đông lớn là Malayan Banking Berhad (16,39%), Tập đoàn Geleximco (12,78%) và Công ty Tài chính Quốc tế - IFC (8,2%).

ABBank gắn liền với tên tuổi ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch Tập đoàn Geleximco. Vị doanh nhân quê Thái Bình là người sáng lập và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ngân hàng này trong nhiều năm.

Đến năm 2018, ông Tiền đã chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT cho em rể là ông Đào Mạnh Kháng. Động thái này là nhằm đáp ứng quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi: hoặc làm lãnh đạo ngân hàng, hoặc làm lãnh đạo doanh nghiệp.

Dù vậy, ông Tiền hiện nay vẫn đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT ABBank để cùng ông Đào Mạnh Kháng quản trị ngân hàng này.

Bạch Hiền

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nhung-cap-anh-em-trong-ban-lanh-dao-ngan-hang-viet-2052139.htm