Một số chuyên gia nhận định, từ khi hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ chính thức bị cấm (từ ngày 1/1/2021, theo quy định của Luật Đầu tư), số lượng doanh nghiệp bị cá nhân, tổ chức kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản tăng dần lên, nhất là những công ty lớn, công ty đại chúng. Nhiều doanh nghiệp coi đây là một biện pháp đòi nợ rẻ tiền, hợp pháp mà hiệu quả.
Thực tế những năm qua đã ghi nhận nhiều vụ kiện đòi thủ tục phá sản giữa các doanh nghiệp liên quan đến nợ nần hoặc tranh chấp hợp đồng tài chính. Mới đây nhất vụ Công ty CP Lilama 45.3 (mã L43) kiện đòi mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG) đã đi đến hồi kết.
Theo đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 9/10/2023 (QĐ-01) của TAND tỉnh Gia Lai đối với Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Sau khi có QĐ-01, DLG đã 3 lần trả nợ cho Công ty CP Lilama 45.3 tổng cộng 4 tỷ đồng, có cam kết lộ trình thanh toán nợ theo thủ tục thi hành án dân sự. TAND cấp cao tại Đà Nẵng nhận định đây là tình tiết mới chứng minh DLG không mất khả năng thanh toán, chưa lâm vào tình trạng phá sản và có thiện chí trả nợ.
Do đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định chấp nhận đơn đề nghị xem xét lại QĐ-01; hủy QĐ-01 của TAND tỉnh Gia Lai đối với DLG. Quyết định này có hiệu lực pháp luật từ ngày 10/11/2023.
Vụ kiện này xuất phát từ việc Đức Long Gia Lai và Lilama 45.3 tranh chấp thực hiện hợp đồng cung cấp, chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công. Hồi giữa tháng 3/2023, Chi cục Thi hành án dân sự TP Pleiku có quyết định yêu cầu DLG phải trả cho Lilama 45.3 số tiền trên 14,7 tỷ đồng tiền cung cấp, lắp đặt thiết bị cho một công trình thủy điện và lãi chậm thanh toán là gần 2,4 tỷ đồng, tổng cộng trên 17,1 tỷ đồng.
Đại diện Lilama 45.3 yêu cầu thanh toán nợ, trong đó trả 50% trong vòng 3 tháng (4,5,6/2023) và trả dứt điểm trong năm 2023. Đại diện DLG đề nghị được trả dần hàng tháng theo lộ trình 3 năm.
Khi vụ việc đang trong quá trình kiểm kê, xử lý để thi hành án thì vào ngày 9/10/2023, thẩm phán Lê Đình Nam (TAND tỉnh Gia Lai) ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Sau thông tin trên, phía Đức Long Gia Lai đã đề nghị TAND tỉnh Gia Lai thu hồi quyết định mở thủ tục phá sản. DLG khẳng định công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng. Nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.
“Công ty có tài sản trên 10.000 tỷ đồng và nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nợ phải thu khá lớn từ các đối tác, khách hàng. Số nợ của Lilama 45.3 là rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,14% tổng tài sản của công ty”, đơn khiếu nại của Đức Long Gia Lai nêu rõ.
Trước diễn biến này, TAND tỉnh Gia Lai chuyển vụ án lên TAND cấp cao tại Đà Nẵng để xem xét xử lý và đi đến quyết định cuối cùng vào ngày 10/11.
Một vụ lùm xùm kiện tụng gần đây cũng thu hút sự chú ý của dư luận là tháng 7/2023, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã CTD) bị Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) kiện lên TAND TP.HCM yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Tại thông báo gửi cổ đông, khách hàng và đối tác hồi tháng 7/2023, Ricons cho hay, việc nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons là kết quả của khoản công nợ quá hạn đã được Coteccons thừa nhận, nhưng kéo dài nhiều năm không thanh toán.
Ricons đã cân nhắc phương án tối ưu nhất để thu hồi công nợ và đã chủ động gửi nhiều công văn đến Coteccons đề xuất phương án giải quyết; trong quá trình đó, cũng đã thông báo và cập nhật cho Coteccons về việc Ricons đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với mong muốn giải quyết trước khi tòa án thụ lý đơn, nhằm tránh hậu quả bất lợi có thể xảy ra, nhưng Ricons không nhận được phản hồi thiện chí từ Coteccons.
Về phía Coteccons, trong thông báo ngày 25/7, doanh nghiệp này cho biết công ty có phát sinh tranh chấp hợp đồng kinh tế bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) với Ricons.
Nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.
Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như dự án Regina Hưng Yên, thiết kế dự án Đông Á, dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai công ty.
Phía Coteccons cho biết, những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.
Ngoài ra, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong. Bên cạnh đó, Coteccons chia sẻ, đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.
Được biết, phía Ricons từng đề nghị Coteccons phải tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận về việc xác nhận và cấn trừ công nợ đã đến hạn thanh toán với số tiền hơn 87,3 tỷ đồng và tiến hành thanh toán cho Ricons hơn 23,6 tỷ đồng tiền chênh lệch công nợ còn lại của kỳ này. Công nợ còn lại hoặc phát sinh sẽ được 2 bên cấn trừ/thanh toán vào các đợt thanh toán sau theo từng điều khoản hợp đồng.
CTD cho rằng, số tiền nợ rất nhỏ so với tổng tài sản của Coteccons là 20.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8.236 tỷ đồng, lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại thời điểm diễn ra tranh chấp, Coteccons và Ricons đang là đối thủ cạnh tranh gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành. Khi đó, Coteccons đứng đầu liên danh Hoa Lư đối đầu với liên danh Vietur mà Ricons là thành viên.
Do đó, việc Ricons yêu cầu thanh toán công nợ và nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons đã làm dấy lên không ít "ồn ào". Phản hồi lại những tin đồn về động thái này, phía Ricons cho hay, hành động pháp lý không nhằm mục đích nào khác là để thu hồi khoản công nợ quá hạn đã lâu.
Kết quả, TAND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2112/2023/QĐ-KMTTPS ngày 29/9/2023 về việc không mở thủ tục phá sản đối với Coteccons.
Hồi tháng 4/2022, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn, mã SSN) bị TAND TP.HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản theo đơn yêu cầu của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Fortuna (Công ty Fortuna).
Trước đó, theo bản án sơ thẩm từ giữa năm 2021 của TAND quận 1 (TP.HCM) về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, TAND quận 1 đã yêu cầu Seaprodex Sài Gòn phải trả cho nguyên đơn là Công ty Fortuna tổng cộng hơn 100 tỷ đồng. Căn cứ phán quyết này, Công ty Fortuna đã nộp đơn kiện đề nghị TAND TP.HCM mở thủ tục phá sản đối với Seaprodex Sài Gòn.
Sau khi nhận quyết định mở thủ tục phá sản, cuối tháng 7/2022, phía Seaprodex Saigon đã gửi đơn tới Tòa yêu cầu hủy bỏ hoặc đình chỉ/tạm đình chỉ thi hành quyết định này. Seaprodex Saigon khẳng định không có hợp đồng mua bán nào với Công ty Fortuna đồng thời cho rằng, hợp đồng kinh tế ký ngày 16/6/2011 giữa Seaprodex Saigon với Công ty Fortuna để mua bán 1.008 tấn cà phê dẫn tới nợ như Tòa phán quyết là dàn dựng làm giả.
Tuy nhiên, vào ngày 24/11/2022, TAND cấp cao tại TP.HCM ra quyết định giám đốc thẩm kết luận giữ nguyên quyết định mở thủ tục phá sản với Seaprodex Sài Gòn.
Hậu quả là 39,6 triệu cổ phiếu SSN của Seaprodex Sài Gòn vào diện hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 20/2/2023. Nguyên nhân là doanh nghiệp này nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của tòa án theo quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
Một vụ kiện mở thủ tục phá sản khác kéo dài nhiều năm đó là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh (Công ty Quốc Linh) kiện Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA) liên quan đến khoản nợ 27 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 25/1/2018, TAND TP.HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Tân Tạo theo yêu cầu của Công ty Quốc Linh.
Đầu tháng 9/2022 tức hơn 2 năm kể từ khi nhận quyết định mở thủ tục phá sản, cổ phiếu ITA của Tân Tạo bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 6/9/2022. Lý do là doanh nghiệp này không thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo của tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Từ đó, đến nay cổ phiếu ITA liên tục nhận án phạt từ HoSE vì vi phạm công bố thông tin.
Đến ngày 03/10/2022, bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch ITA chính thức nộp đơn lên tòa án Liên Bang Hoa Kỳ khởi kiện Công ty Quốc Linh, cá nhân ông Trần Quang Quốc và bà Huỳnh Thị Cẩm Linh là chủ doanh nghiệp này đã cố tình lừa đảo với các bằng chứng giả mạo, buộc ITA mở thủ tục phá sản khiến cho giá cổ phiếu ITA bị sụt giảm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh doanh của ITA, gây ra thiệt hại rất lớn về tiền của, vật chất và tinh thần.
Bà Yến đòi bồi thường cho riêng cá nhân bà bị thiệt hại trực tiếp 28 triệu USD và bồi thường 300 triệu USD về việc cố tình phá hoại ITA và bà Yến.
Theo thông tin từ ITA, ngày 14/11/2022, Tổ chức nghiệp vụ hợp pháp Quốc tế đã thực hiện tống đạt hồ sơ kiện Công ty Quốc Linh và cá nhân ông Quốc bà Linh. Nhưng cả ông Quốc và bà Linh đều cố tình trốn tránh không nhận hồ sơ.
Đầu năm 2023, Tân Tạo gửi văn bản tới HoSE cho rằng, quyết định mở thủ tục phá sản chỉ căn cứ vào đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty Quốc Linh là bất hợp lý. Vì yêu cầu này dựa trên các bản án của TAND tỉnh Long An, nhưng hồ sơ vụ án có nhiều tài liệu giả mạo. Tân Tạo khẳng định hoàn toàn không có quan hệ kinh tế, không tranh chấp với Công ty Quốc Linh.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nhung-doanh-nghiep-bi-khoi-kien-mo-thu-tuc-pha-san-de-doi-no-2055717.htm