Những dòng tiền đáng quan tâm giữa PAP và Tập đoàn Hoành Sơn dưới thời Chủ tịch Phạm Hoành Sơn

Giá trị thi công thấp, song PAP dưới thời Chủ tịch Phạm Hoành Sơn sẵn sàng ứng trước hơn nửa nghìn tỷ cho đối tác có liên quan đến Tập đoàn Hoành Sơn.

Cách Hoành Sơn nắm giữ quyền chi phối PAP

CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (MCK: PAP) được thành lập để thực hiện việc đầu tư khai thác cảng hợp cảng Phước An. Cổ đông sáng lập ban đầu gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN chiếm 79,54% (tương đương 350 tỷ đồng); Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp (SONADEZI) chiếm 17,05% (tương đương 75 tỷ đồng) và các cổ đông cá nhân chiếm 3,41%.

Cảng Phước An nằm bên sông Thị Vải, có vị trí thuận lợi, với chiều dài tuyến luồng vào cảng khoảng 40km, độ sâu trung bình 15m, có thể đảm bảo cho tàu trọng tải đến 80.000 tấn lưu thông an toàn. Cảng là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Cảng có tổng diện tích 183ha, tổng chiều dài bến 3.050m. Chiều sâu mực nước trung bình -15 m, có 06 bến container đáp ứng tàu 60.000 DWT và 04 bến tổng hợp đáp ứng tàu 60.000 DWT. Công suất cảng 2,5 triệu TEU/năm; 6,5 triệu tấn/năm. Khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An với tổng diện tích lên đến 555,24 ha, được đánh giá là một lợi thế rất lớn so với các cảng khác trong khu vực, trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất của cả nước.

Lợi thế của khu dịch vụ cảng không chỉ hệ thống giao thông thuận tiện mà nối kết với QL51 và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu. Ngoài ra, cảng còn kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt quốc gia Bắc - Nam.

Tháng 7/2016, PAP tiến hành tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng bằng cách chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn do ông Phạm Hoành Sơn (SN 1972) làm Chủ tịch HĐQT. Mục đích của việc tăng vốn nhằm bổ sung vốn và triển khai đầu tư phân kỳ 1 dự án Cảng An Phước.

tap-doan-hoan-son-pap-antt-1679889485.jpg
Thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu nâng vốn điều lệ, PAP vốn thuộc PVN đã chịu sự chi phối của Tập đoàn Hoành Sơn

Lúc này, thông qua Công ty TNHH MTV Hoành Sơn với tỷ lệ sở hữu 51,11% vốn điều lệ, ông Phạm Hoành Sơn trở thành Chủ tịch HĐQT của PAP.

Dưới sự lãnh đạo SN 1972, PAP trong tháng 6/2017 tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Hoành Sơn là cổ đông duy nhất mua số cổ phiếu trị giá 200 tỷ đồng này. Số tiền thu được thì 182 tỷ đồng được mang gửi ngân hàng. Lúc này, thông qua công ty con, Tập đoàn Hoành Sơn đã sở hữu 60% cổ phần tại PAP, trong khi PVN chỉ sở hữu 31,82%.

Vậy là, từ vai trò những cổ đông sáng lập, nắm quyền điều hành dự án của chính mình, sau 2 lần tăng vốn, PVN lại trở thành những cổ đông yếu thế, không thể kiểm soát được số tiền 350 tỷ đồng đã bỏ vào xây Cảng Phước An ngay từ buổi sơ khai.

Ông chủ Hoành Sơn sử dụng vốn của PAP thế nào?

Ngay khi PAP về tay Tập đoàn Hoành Sơn, công ty này đã ký hợp đồng số 04/2017 ngày  5/10/2017 với liên doanh CTCP thương mại và dịch vụ Nga Sơn và CTCP Núi Hồng về việc thi công xây lắp phân kỳ 1 – dự án Cảng Phước An, trong đó Nga Sơn là thành viên đứng đầu liên danh.

Dù mới ký hợp đồng vào tháng 10/2017, PAP dưới sự chỉ đạo của ông Phạm Hoành Sơn đã nhanh chóng tạm ứng 50% giá trị hợp đồng (tương ứng số tiền 575,5 tỷ đồng) cho liên doanh trên.

Đáng chú ý, trong năm 2018, PAP đã nghiệm thu đợt 1 hợp đồng với Liên doanh Nga Sơn – Núi Hồng với giá trị chỉ khoảng 17,7 tỷ đồng. Trong năm liên doanh này trả lại cho PAP 200 tỷ đồng và khoản phải thu 354,7 tỷ đồng.

Đến năm 2019, PAP tiếp tục nghiệm thu hợp đồng với Nga Sơn – Núi Hồng với trị giá 6,2 tỷ đồng và Liên doanh trên đã hoàn trả nốt 341,7 tỷ đồng.

Có thể thấy, giá trị xây lắp mà Nga Sơn – Núi Hồng thực hiện cho PAP không lớn, chỉ khoảng 24 tỷ đồng, song PAP vì sao lại chuyển tới 575,5 tỷ đồng ứng trước 50% hợp đồng cho liên doanh này?

Để lý giải câu hỏi trên cần phải tìm hiểu về những ông, bà chủ của 2 công ty trên.

Theo tìm hiểu của PV, CTCP thương mại và dịch vụ Nga Sơn được thành lập vào tháng 5/2007. Tính đến tháng 2/2017, Nga Sơn có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Thị Hằng Nga góp 480 tỷ đồng (tương ứng 98% vốn điều lệ), 2 cổ đông Lưu Thị Duyên và Trần Xuân Phong mỗi người nắm 1% vốn điều lệ.

Cần phải biết rằng, bà Hằng Nga chính là vợ của Chủ tịch Phạm Hoành Sơn. Dù sau đó vợ ông Sơn đã bán hết cổ phần tại Công ty Nga Sơn, song người nhân chuyển nhượng lại là bà Lưu Thị Duyên.

Ngoài việc ứng hàng trăm tỷ đồng cho Liên doanh Nga Sơn – Núi Hồng, dưới thời Chủ tịch Phạm Hoành Sơn, PAP đã lập ra CTCP BOT Đường vào Cảng Phước An dù cho dự án này chưa được phê duyệt.

Theo cơ cấu ban đầu, cổ đông của BOT Cảng Phước An gồm CTCP Tập đoàn Hoành Sơn góp 144 tỷ đồng (tương đương 48% vốn điều lệ), PAP góp 153 tỷ đồng (tương đương 51% vốn điều lệ) và bà Hằng Nga nắm 1% còn lại.

Tuy nhiên, Tập đoàn Hoành Sơn và bà Nga không góp vốn vào BOT Cảng Phước An mà chỉ có PAP góp 153 tỷ đồng. Sau đó, ông Phạm Hoành Sơn đã dùng số tiền vốn của  BOT Cảng Phước An cho Tập đoàn Hoành Sơn của ông vay lại.

Giang Nam

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nhung-dong-tien-dang-quan-tam-giua-pap-va-tap-doan-hoanh-son-duoi-thoi-chu-tich-pham-hoanh-son-205577777.htm