Những mặt hàng nào được giảm thuế VAT còn 8% từ ngày 1/7?

Quốc hội đồng ý giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% áp dụng từ 1/7 đến hết năm 2023 với những mặt hàng được nêu trong Nghị quyết số 43 năm 2022.

Chiều 24/6, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chung của kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV, trong đó quyết nghị tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) theo theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Việc giảm thuế VAT này áp dụng từ ngày 1/07/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo đó, thuế VAT sẽ giảm từ 10% về 8%. Theo Nghị quyết 43, việc giảm thuế sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

nhung-mat-hang-nao-duoc-giam-thue-vat-con-8-tu-ngay-1-7-1687665669.jpg
Ảnh minh họa

"Giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội; báo cáo kết quả thực hiện cùng với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 43", Nghị quyết Quốc hội nêu.

Tờ trình của Chính phủ đánh giá tác động của chính sách, nếu áp dụng việc giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng (đối với thu ngân sách Nhà nước năm 2023 thì dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu thuế VAT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 1/2024).

Với việc giảm 2% thuế VAT, người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. 

Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trước đó nêu ý kiến về việc mở rộng hơn nữa lĩnh vực dịch vụ, hàng hóa được giảm thuế VAT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc này sẽ tác động đến thu ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, Chính phủ chưa tính toán, đánh giá đầy đủ tác động, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ 2022.

Như vậy, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 8 luật: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Quốc hội cũng đã thông qua 17 nghị quyết: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024...

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nhung-mat-hang-nao-duoc-giam-thue-vat-con-8-tu-ngay-17-2052358.htm