Những ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2023

LPBank, Nam A Bank, HDBank, SeABank hay OCB... là những ngân hàng thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2023.

Bên cạnh phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, năm nay nhiều ngân hàng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức, qua đó tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, Nam A Bank mới đây thông tin về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 20% để tăng vốn điều lệ. Theo đó, ngân hàng này sẽ phát hành hơn 211 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000/cổ phiếu, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới. 

Nguồn vốn phát hành được ngân hàng thông báo từ nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm 31/12/2022. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành trong đợt này là ngày 7/7/2023. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Nam A Bank sẽ được tăng từ mức 8.464 tỷ đồng lên 10.580 tỷ đồng. 

Ngày 26/6 là ngày cuối cùng để SeABank thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu và nhận cổ phiếu phát hành để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, ngân hàng này sẽ phát hành 295,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương ứng tỷ lệ xấp xỉ 14,47% và phát hành hơn 118,2 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 5,8%. 

Ngoài Nam A Bank và SeABank, loạt ngân hàng khác cũng chuẩn bị phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong thời gian tới.

nhung-ngan-hang-tra-co-tuc-bang-co-phieu-trong-nam-2023-1687750235.jpg
Ảnh minh họa

Đó là LPBank sẽ phát hành 328,5 triệu cổ phiếu phát hành trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 19% (tương đương 3.285 tỷ đồng); 500 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (5.000 tỷ đồng); phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài 300 triệu cổ phiếu (3.000 tỷ đồng) và 10 triệu cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trị giá 100 tỷ đồng.

Với phương án trên, LPBank dự kiến phát hành thêm 1,14 tỷ cổ phiếu. Sau khi hoàn thành các đợt phát hành, vốn điều lệ của LPBank dự kiến tăng từ hơn 17.291 tỷ đồng lên hơn 28.676 tỷ đồng.

Tiếp theo, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 50% cho cổ đông hiện hữu. Sau phát hành, vốn điều lệ của tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

Hay như TPBank cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.199 tỷ đồng. Theo kế hoạch, TPBank sẽ phát hành gần 619,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của nhà băng này dự kiến tăng từ hơn 15.000 tỷ đồng lên hơn 22.000 tỷ đồng.

Tương tự, NHNN cũng đã có văn bản chấp thuận về việc ngân hàng SHB phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 18%.

Tại MB, trong năm 2023, ngân hàng này cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng bằng phương thức phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15% (tăng vốn thêm 6.800 tỷ đồng).

Trong khi đó, Ngân hàng ACB cho biết sẽ phát hành 506.615.264 cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022. Tỷ lệ thực hiện là 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tương đương 5.066 tỷ đồng. Qua đó nâng tổng số cổ phiếu lưu hành từ 3.377 triệu cổ phiếu lên 3.884 triệu cổ phiếu. Như vậy, vốn điều lệ của ACB tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.

Ngân hàng HDBank, cũng có kế hoạch chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu trong thời gian tới sau khi thanh toán cổ tức tiền mặt 10% cho cổ đông vào ngày 12/6 vừa qua. Sau khi hoàn thành phương án phân phối lợi nhuận này, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng thêm tối đa 3.772 tỷ đồng vốn điều lệ, từ 25.303 tỷ đồng lên 29.276 tỷ đồng

Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, vào cuối tháng 5/2023, NHNN đã chấp thuận tăng vốn điều lệ cho Vietcombank từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 18,1%) từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/nhung-ngan-hang-tra-co-tuc-bang-co-phieu-trong-nam-2023-2052373.htm