Zeng Baobao, founder công ty phát triển bất động sản Trung Quốc Fantasia Holdings, đã bày tỏ mong muốn của mình trong năm 2023: May mắn nằm trong danh sách các nhà phát triển được nhận trợ cấp từ chính phủ.
Lời khẩn khoản phần nào cho thấy sự khắc nghiệt mà các tập đoàn bất động sản đại lục phải đối mặt. Các công ty như Fantasia hy vọng rằng một ngày nào đó, cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng sẽ sớm qua đi, dưới sự hỗ trợ từ giới chức địa phương.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, ngay cả khi các nhà phát triển may mắn nằm trong danh sách, triển vọng những năm tới vẫn vô cùng khốc liệt. Khủng hoảng thanh khoản cùng đà sụt giảm doanh số kéo dài đã khiến bối cảnh kinh doanh nhà đất tại Trung Quốc thay đổi mãi mãi.
Ba năm qua, việc các nhà phát triển Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính đã gây ra tình trạng vỡ nợ hơn 100 tỷ USD. Cuộc khủng hoảng bắt đầu sau khi các biện pháp “ba lằn ranh đỏ” của Trung Quốc cắt giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Thị trường trái phiếu cùng đại dịch bất ổn cũng là một trong những nguyên do.
“Các nhà phát triển, đặc biệt là các công ty tư nhân, vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong 5 đến 10 năm tới. Mối quan tâm bây giờ là làm thế nào để tồn tại chứ không phải phát triển nữa”, Raymond Cheng, giám đốc điều hành của CGS-CIMB Securities, cho biết.
Theo dữ liệu do Fitch tổng hợp, các nhà phát triển sẽ tiếp tục phải đối mặt với vấn đề trả nợ trái phiếu vào năm 2024. Ít nhất 10 doanh nghiệp đã không thể thanh toán vào năm ngoái, trong đó có Country Garden Holdings và Sino-Ocean Group.
Country Garden, từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc nếu xét trên doanh thu, đã phải cắt giảm thu nhập hàng năm của 4 giám đốc điều hành hàng đầu xuống còn 120.000 nhân dân tệ như một cách vượt qua khủng hoảng thanh khoản. Yang Huiyan, chủ tịch công ty kiêm con gái founder Yang Guoqiang, đã cam kết giải cứu công ty ngay cả khi phải “đập nồi sắt, bán phế liệu”.
Dẫu vậy, thách thức trước mắt của Country Garden và các công ty cùng ngành rất nghiêm trọng. Chủ tịch Country Garden Mo Bin cho biết tại cuộc họp: “Thị trường dự kiến sẽ dao động ở mức thấp vào năm 2024. Hiệu suất bán hàng cũng như triển vọng giữa các công ty nhà nước và tư nhân sẽ ngày càng khác nhau”.
Trước đó, cả Goldman Sachs và UBS đều ước tính rằng doanh số bán nhà trên toàn quốc trong năm 2024 sẽ giảm 5% so với năm ngoái. Các cơ quan xếp hạng quốc tế như S&P và Fitch cũng có dự báo tương tự.
“Vẫn có rủi ro đáng kể rằng điều đó sẽ tác động đến niềm tin của người dân và gây tổn hại đến sự ổn định của nền kinh tế”, Wang Tao, nhà kinh tế trưởng tại UBS, cho biết. “Đây là nguy cơ suy thoái kinh tế lớn nhất trong năm nay”.
“Hầu hết các nhà phát triển phải chấp nhận thực tế rằng thời kỳ hoàng kim của đòn bẩy tăng trưởng đã qua”, Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Natixis, cho biết.
Theo Ricky Tsang, nhà phân tích của S&P, trước đây, các công ty có thể huy động vốn rất dễ dàng thông qua thị trường trái phiếu nước ngoài, thường ở mức lãi suất 2 con số.
“Các công ty sẽ lấy số tiền đó để mua đất, bán trước nhà. Tất cả chỉ dựa trên niềm tin rằng giá đất và nhà ở sẽ tăng lên”, Ricky Tsang nói. “Còn bây giờ, khi mô hình này mất dần, sự thống trị trước đây của các công ty tư nhân trồi sụt”.
Zhang Shunchen, nhà phân tích của Fitch Ratings có trụ sở tại Thượng Hải, dự báo một làn sóng vỡ nợ tương tự năm 2022 khó có thể xảy ra trong năm 2024 vì các công ty gặp vấn đề lớn nhất về thanh khoản đều đã vỡ nợ. Các công ty không có sự hỗ trợ của nhà nước sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu vốn.
“Tài chính là một thách thức lớn đối với các nhà phát triển tư nhân. Dòng vốn hỗ trợ từ các tổ chức tài chính có tính chọn lọc cao”, Zhang nói.
Điều đó khiến các nhà phát triển Trung Quốc phải vật lộn để đảm bảo hỗ trợ tín dụng từ chính phủ.
Ngoài ra, dữ liệu quốc gia cho thấy đầu tư vào lĩnh vực phát triển bất động sản đã giảm kể từ tháng 4/2022. Mức giảm ngày càng tăng vào năm ngoái khi mất tới 9,6% so với cùng kỳ một năm trước đó.
“Các nhà phát triển nhà nước sẽ thống trị thị trường. Chỉ có các doanh nghiệp nhà nước và một số nhà phát triển tư nhân chất lượng mới có thể tồn tại. Những người khác có thể sẽ biến mất”, Zhang nói.
Bất động sản hiện là mối bận tâm lớn nhất của Trung Quốc do có mối liên hệ mật thiết với nền kinh tế và ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ các nhà sản xuất thép, nhà sản xuất thiết bị gia dụng cho đến hàng triệu người dân mua nhà. Tình cảnh này trái ngược hoàn toàn với hồi năm 1990 - thời điểm thị trường nhà ở Trung Quốc bắt đầu bùng nổ tại các thành phố lớn, sau đó lan dần sang các khu vực đô thị nhỏ hơn.
“Tốc độ tăng trưởng cao có thể che giấu nhiều vấn đề, song khi tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Chỉ khi nước hồ rút xuống, chúng ta mới có thể nhìn thấy những thứ chưa từng thấy”, ông Jon Danielsson, Giám đốc trung tâm rủi ro hệ thống tại Trường Kinh tế London, nói.
Theo ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics, hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy thị trường liên ngân hàng tại Trung Quốc đang chịu căng thẳng, song trong trường hợp xấu nhất, sự sụp đổ của hệ thống các “ngân hàng vô hình” nhiều khả năng sẽ thắt chặt điều kiện tín dụng với những người đi vay.
Theo: SCMP
Vũ Anh