Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, MCK: OCB, sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 983 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu thuần đạt 2.090 tỷ đồng. Trong đó thu thuần trong lãi đạt 1.751 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ, chiếm 84% trong cấu trúc tổng thu thuần hoạt động của ngân hàng. NIM duy trì hiệu quả ở mức 3,9%, tăng so với cùng kỳ. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư tăng lần lượt 276% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm gần 4% xuống còn 123 tỷ đồng. Mảng chứng khoán kinh doanh và hoạt động kinh doanh khác cũng ghi nhận lãi thuần giảm lần lượt 99% và 32% so với quý I/2022.
Chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh tổng thu thuần tiếp tục tăng so với cùng kỳ với hệ số chi phí hoạt động trên doanh thu ở mức 37%. Chi phí dự phòng rủi ro cũng giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 434 tỷ đồng xuống còn 342 tỷ đồng.
Kết quả, quý I/2023, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 983 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 786 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng được OCB trình cổ đông trong ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra hôm nay (28/4), ngân hàng đã thực hiện được gần 15% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trên bảng cân đối kế toán, tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của OCB đạt hơn 199.141 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh lãi suất biến động mạnh, hoạt động tín dụng và huy động của Ngân hàng vẫn tăng trưởng liên tục.
Trong đó, hoạt động cho vay khách hàng đạt gần 121.914 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, tổng huy động thị trường 1 đạt 143.752 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Riêng tiền gửi khách hàng ghi nhận kết quả khả quan khi tăng trưởng 7,2% so với cùng kỳ, tương đương đạt 105.564 tỷ đồng.
Đáng chú ý về chất lượng nợ vay, số dư nợ xấu của OCB tăng 51% so với đầu năm, lên hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 54%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 55% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 49%. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3% sau 3 tháng đầu năm.
Ở diễn biến liên quan, sáng 28/4, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 của OCB đã diễn ra tại TP.HCM. Các cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023. Ngân hàng này dự kiến tổng tài sản sẽ tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173.087 tỷ và dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 147.330 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng cho biết, trong năm 2023 dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến kiểm soát dưới 3%.
Trong năm 2022, OCB chưa thực hiện được việc tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thông qua. Do đó, OCB tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên hơn 20.548 tỷ đồng trong năm nay thông qua việc phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 50%.
Thời gian phát hành cụ thể do HĐQT quyết định, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nếu tăng vốn điều lệ thành công, OCB sẽ dùng 6.176 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay và 672 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ocb-no-xau-o-muc-33-trong-quy-i2023-du-kien-tang-von-dieu-le-hon-20500-ty-dong-2051139.htm