Năm 2023, ngành F&B dù diễn biến sôi động với hàng loạt trào lưu ẩm thực trong ngắn hạn nhưng vẫn chịu ảnh hưởng từ những thách thức chung của nền kinh tế, sức mua kém. Dẫu vậy, theo anh Vũ Trường Giang - founder chuỗi cà phê …Ka Coffee - người đã có gần 12 năm kinh nghiệm trong ngành, bước sang năm 2024, F&B vẫn sẽ là ngành hút được nhiều vốn đầu tư.
"Vì các ngành khác như bất động sản hiện có khả năng hấp thụ vốn kém. Trong khi đó, vốn nhàn rỗi trong dân vẫn còn rất nhiều. Ngành F&B, dẫu sao cũng là ngành mà khi hấp thụ vốn vào có thể ra tiền mặt ngay. Cho nên, năm 2024 sẽ có nhiều người đầu tư vào F&B. Khó khăn về mặt tiêu dùng vẫn vậy, tức là đầu tư vào nhưng ra hàng cũng không dễ. Tuy nhiên vẫn có nhiều người đầu tư F&B, thị trường cạnh tranh hơn và cũng nhiều bên bị đào thải hơn", anh Giang nhận định tại tập đặc biệt của series Chapter 0 do Rising Vietnam thực hiện.
Đồng tình với ý kiến này, chị Nguyễn Kim Thanh Lam - Founder Carrot Solution – đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp marketing cho doanh nghiệp F&B, cho biết từ đầu năm 2024 đã gặp gỡ khá nhiều thương hiệu từ Hàn Quốc, Trung Quốc bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam.
Thực tế, năm 2023 đã chứng kiến hoạt động sôi nổi của nhiều thương hiệu F&B nước ngoài, đặc biệt là đồ uống tại thị trường Việt Nam như Mixue, Cotti Coffee,... Trong đó, Mixue dù phải đối mặt với những mâu thuẫn liên quan đến quyền lợi của người nhận nhượng quyền, vẫn được đánh giá là một mô hình khá thành công. Tuy nhiên, theo founder …Ka Coffee, ngành cà phê sẽ không "dễ chơi" như trà sữa.
"Tiêu chuẩn về cà phê tại Việt Nam cao và nhu cầu đi cà phê thiên về trải nghiệm nhiều hơn chỉ là mua mang đi. Doanh số đơn hàng online thì trà sữa có lẽ chiếm 7 phần, cà phê chỉ 2-3 phần. Do đó, mô hình cà phê sẽ ít bị đánh chiếm hơn bởi các thương hiệu nước ngoài", anh Vũ Trường Giang nhận định.
Do vậy, dù các thương hiệu cà phê nước ngoài tiến vào Việt Nam, đem theo nguồn lực lớn, mô hình bài bản, các doanh nghiệp nội địa vẫn có thể cạnh tranh nhờ hai từ "trải nghiệm".
Founder …Ka phân tích, trải nghiệm không phải là điều có thể dùng tiền mua được ngay mà xuất phát từ các chi tiết, điểm chạm, từ con người. Khách hàng có thể trải nghiệm với thương hiệu ở bất cứ kênh nào, bất cứ đâu nên rất khó làm giả. Ví dụ, doanh nghiệp có thể xây dựng hình ảnh đẹp trên các nền tảng xã hội nhưng trải nghiệm còn có thể đến từ các điểm chạm nhỏ như bác bảo vệ. Hay đối với thế hệ GenZ, họ không còn đặt niềm tin quá nhiều vào lời nói, lý thuyết mà có xu hướng tự trải nghiệm.
"Văn hoá doanh nghiệp là nguyên nhân tạo nên trải nghiệm. Đó vừa là khó khăn vừa là cơ hội. Nếu như doanh nghiệp Việt Nam làm được thì doanh nghiệp sẽ vững vàng", người sáng lập chuỗi 5 cửa hàng cà phê …Ka Coffee nói. Việc xây dựng trải nghiệm trước nhất phải phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu của thương hiệu. Thứ hai, vận dụng sức mạnh trong văn hoá doanh nghiệp, đó là sự tự giác.
Anh Giang phân tích, trong ngành F&B, khách sạn thường có đặc thù là đông nhân sự nhưng thu nhập không cao lắm, nên không dễ để mọi người làm cùng hướng. Tuy nhiên, có thể xây dựng được văn hoá có sự tự giác cao. Ví dụ, các nhà hàng thường đều cũng có một danh sách các đầu việc cần kiểm tra hằng ngày. Chuỗi …Ka Coffee cũng vậy. Tuy nhiên, danh sách đó không được lập ra bởi người lãnh đạo, quản lý mà do đội ngũ cửa hàng tự mình tạo ra. Danh sách công việc tại mỗi cửa hàng là khác nhau vì cơ sở vật chất khác nhau. Điều này giúp nhân viên không còn tâm lý phải thực hiện các đầu công việc do cấp lãnh đạo đưa xuống mà tự nhóm của mình thực hiện. Nếu làm tốt, điều này sẽ tạo trải nghiệm đủ tốt cho khách hàng tại mỗi điểm bán.
Còn theo chị Nguyễn Kim Thanh Lam - Founder Carrot Solution, xây dựng trải nghiệm đi từ văn hoá doanh nghiệp không phải bài toán dễ dàng. "Các founder có thực sự quan tâm đến nhân viên của mình hay không? Làm thế nào để các bạn cảm thấy đây là ngôi nhà thực sự của mình và muốn chăm sóc ngôi nhà đó, muốn mang năng lượng tích cực, nồng ấm đến cho khách hàng. Mình cư xử với nhân viên tốt thì tự khắc, nhân viên sẽ cư xử tốt với khách", chị Lam bày tỏ.
Hàng chục năm qua, thị trường F&B, đặc biệt là mô hình cửa hàng cà phê đã chào đón nhiều thương hiệu quốc tế như Starbucks, Gloria Jean’ Coffees, NYDC, Coffe Bean & Tea Leaf, % Arabica,… Tuy nhiên, hầu hết đều lần lượt ngầm ngùi rời thị trường. Starbucks được coi là thương hiệu quốc tế thành công nhất ở Việt Nam hiện tại với hơn 100 cửa hàng.
Hoàng Thuỳ