Trong buổi sáng 5/3, HĐXX vụ án Vạn Thịnh Phát đã dành hầu hết thời gian để xét hỏi nhân thân của 79 bị cáo có mặt tại tòa.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Giáo dục Văn Lang; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Capella (Capella Holdings) là người cuối cùng trong phần khai báo.
Khi đến lượt mình, ông Trí phải nhờ đến sự hỗ trợ của cảnh sát khi lên bục khai báo. Khi được HĐXX hỏi tình hình sức khỏe, bị cáo Trí cho biết bản thân đang bị bệnh chấn thương cột sống.
Trong phần xét hỏi nhân thân, bị cáo Nguyễn Cao Trí cho biết có một vợ và 5 con. Con lớn nhất sinh năm 1997, con nhỏ nhất sinh năm 2023.
Ông Trí khai bị bắt ngày 15/1/2023. Đồng thời, bị cao nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 21/2/2024.
Khi được Chủ tọa mời về chỗ, bị cáo Trí nán lại bục xét hỏi, trình bày với HĐXX và chủ tọa: "Với vụ án liên quan đến tôi, tôi đã rất chủ động hợp tác với cơ quan điều tra và gia đình đã khắc phục toàn bộ số tiền. Bản thân tôi bị chấn thương cột sống nên xin phép vắng mặt trong những phiên tòa tiếp theo và xin ủy quyền cho hai luật sư của tôi".
Chủ tọa ngắt lời bị cáo Trí và cho biết phần kiến nghị này, bị cáo sẽ trình bày ở phần sau.
Đến phần trình bày ý kiến, luật sư bào chữa cho bị cáo Trí thông tin việc thân chủ bị bệnh chấn thương cột sống, phải hạn chế di chuyển. Do đó, vị luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo Nguyễn Cao Trí được phép vắng tại các phiên tòa tiếp theo hoặc cho phép bị cáo được ngồi dự tòa.
Trả lời kiến nghị, chủ tọa phiên tòa đề nghị các luật sư bào chữa cung cấp hồ sơ bệnh án của các bị cáo (gồm bị cáo Nguyễn Cao Trí) để HĐXX xem xét. Trường hợp bị cáo Trí, HĐXX chấp thuận cho bị cáo này ngồi, không phải đứng khi tham gia phiên tòa.
Ông Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970) sở hữu 2 hệ sinh thái gồm: Tập đoàn Capella có 28 công ty con hoạt động về lĩnh vực bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn... và Tập đoàn giáo dục Văn Lang có 7 đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục. Trong đó, giữ vai trò trung tâm là 2 Công ty mẹ: Công ty CP Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang và Công ty CP Tập đoàn Capella.
Trong đó, Nguyễn Cao Trí là Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Capella. Tập đoàn này sở hữu 100% hoặc đồng sở hữu 28 công ty con, trong đó có các công ty liên quan trong vụ án gồm: Công ty CP Cao su Công nghiệp; Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh, Công ty TNHH Capella Hospitality; Công ty CP Long Thành Investments; Công ty CP Tập đoàn Bến Thành Holdings Group...
Capella sở hữu một số dự án lớn có liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát như: Khu Đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh; Trung tâm Thể thao Thành Long; Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Hải Hà mở rộng 1 và mở rộng 2; Khu du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Thực (4.598 ha), Khu Thể Thao & Văn Hóa Huyện Hải Hà - Quảng Ninh (5,7 ha); Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Capella Gallery Hall (953 m2); Trung Tâm hội nghị tiệc cưới Riverside Palace (4.602 m2)...
Theo cáo trạng, từ năm 2017 - 2020, bà Trương Mỹ Lan đã hợp tác với ông Nguyễn Cao Trí để đầu tư dự án, mua cổ phần một số công ty của ông Trí.
Theo thỏa thuận, ông Trí đã nhiều lần nhận tiền của bà Lan, thông qua những người giúp việc của bà Lan với tổng cộng 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, ông Trí và bà Lan thống nhất sẽ chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp với giá 45 triệu USD. Bà Lan đã thanh toán cho ông Trí số tiền 21,25 triệu USD, tương ứng hơn 476 tỉ đồng để mua 31,22% vốn điều lệ ông Trí đang sở hữu.
Do số cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm, ông Trí và bà Lan thống nhất ký "hợp đồng ủy thác đầu tư" và để ông Hồ Quốc Minh (là người quen, môi giới của bà Lan) cùng người thân quen của ông Trí đứng tên trên hợp đồng.
Tiếp đó, bà Lan thỏa thuận với ông Trí mua 100% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh với giá trị 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho ông Trí tổng cộng 20 triệu USD, tương ứng hơn 463 tỷ đồng.
Thực tế, ông Trí khai nhận 1 triệu USD, tương ứng hơn 23 tỷ đồng và 127 tỷ đồng; còn 19 triệu USD chỉ ghi nhận tiến độ thanh toán nhưng chưa nhận tiền.
Ngoài ra, ông Nguyễn Cao Trí còn thỏa thuận để bà Lan tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thanh toán tiền theo tiến độ phát sinh chi phí. Bà Lan đã 2 lần thanh toán cho ông Trí, tổng cộng 9,5 triệu USD, tương ứng hơn 220 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cho hay, nhiều khoản tiền đầu tư và vay giữa hai bên không có giấy tờ, biên nhận. Vì vậy, tháng 1/2021, ông Trí gặp bà Lan tại nhà hàng Ngân Đình, tòa nhà TimeSquare (TP.HCM), để thống nhất chốt các khoản đầu tư mà ông Trí nhận của bà Lan, tổng cộng là 1.000 tỷ đồng.
Để đảm bảo tín nhiệm và tin tưởng cho 1.000 tỷ đồng, ông Trí thống nhất chuyển nhượng cho bà Lan 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang và thống nhất với Lan để Hồ Quốc Minh đứng tên sở hữu cổ phần.
Sau khi bà Lan bị khởi tố, bắt tạm giam, ngày 21-22/10/2022, ông Trí chỉ đạo trợ lý của mình soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang đã ký theo thỏa thuận với Trương Mỹ Lan.
Tiếp đó, ông Trí hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục xác nhận chuyển nhượng 10% vốn điều lệ từ ông Hồ Quốc Minh sang em trai ông Trí và nhân viên kế toán Công ty Văn Lang.
Cùng với đó, ông Trí yêu cầu ông Hồ Quốc Minh ký hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang và bản thanh lý Hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp.
Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Cao Trí đã tự ý lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng mà không trao đổi với bà Lan, nhằm xóa bỏ quyền sở hữu đối với 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang, chiếm đoạt tiền đã nhận của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Do đó, bị cáo Nguyễn Cao Trí bị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo kết luận điều tra, gia đình ông Trí đã nộp toàn bộ 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả hành vi phạm tội của ông này.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ong-nguyen-cao-tri-bi-chan-thuong-cot-song-xin-vang-mat-nhung-phien-xet-xu-sau-20510516.htm