PGBank muốn tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng, lấn sân sang chứng khoán, bảo hiểm

PGBank dự kiến trình đại hội phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, MCK: PGB) vừa công bố thông tin sửa đổi, bổ sung tài liệu ĐHĐCĐ bất thường năm 2025.

Theo PGBank, ngày 24/4/2025, ĐHĐCĐ đã thông qua Phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng, trong đó, tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng thông qua phát hành trả cổ tức và tăng vốn điều lệ thêm 4.500 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.

Theo lộ trình Phương án tăng Vốn điều lệ PGBank tại Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐQT, PGBank thực hiện việc chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau khi hoàn thành phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Việc thực hiện các bước nêu trên sẽ không đảm bảo thời hạn hoàn thành việc tăng vốn theo nhu cầu thực tế của PGBank.

Vì vậy, việc sửa đổi lộ trình thực hiện các phương án tăng vốn theo Nghị quyết số 02/2025/NQ-ĐHĐCĐ là cần thiết để đảm bảo tiến độ triển khai và sự thuận tiện trong quá trình thực hiện.

HĐQT PGBank dự kiến trình ĐHĐCĐ bất thường 2025 phương án tăng vốn điều lệ 2025 thông qua chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:9 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua; 10 quyền mua sẽ được mua 9 cổ phiếu mới).

Với 500 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến PGBank sẽ phát hành thêm 450 triệu cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu trong đợt này.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu phát hành thêm). Nguồn phát hành từ lợi nhuận chưa phân phối căn cứ trên báo cáo tài chính năm 2024 đã được kiểm toán của PGBank sau khi hoàn tất các nghĩa vụ thuế và trích lập các quỹ theo quy định.

Tổng cộng 500 triệu cổ phiếu PGB dự kiến được phát hành theo 2 phương án trên không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2025, 2026; thời điểm phát hành cụ thể được HĐQT quyết định phù hợp với chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, chào bán thêm cổ phiếu là 5.000 tỷ đồng. Số vốn này được sử dụng để cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng trong khoảng thời gian 2025-2028.

Sau phát hành, vốn điều lệ của PGBank dự kiến tăng thêm 5.000 tỷ đồng, lên 10.000 tỷ đồng.

Nếu phát hành thành công 500 triệu cổ phiếu PGB theo kế hoạch, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn PGBank cũng có sự thay đổi. Dự kiến, sau khi ngân hàng tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức sẽ giảm sở hữu từ 11,225% về 6,172%; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh giảm từ 11,003% về 6,052% và CTCP Quốc tế Cường Phát giảm từ 11,375% về còn 6,256%.

PGBank muốn tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng, lấn sân sang chứng khoán, bảo hiểm - Ảnh 1.

Nếu phát hành thành công 500 triệu cổ phiếu PGB theo kế hoạch, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn PGBank có sự thay đổi. Nguồn: PGB

Gia Linh, Cường Phát và Thương mại Vũ Anh Đức trở thành cổ đông lớn của PGBank từ năm 2023. Cả 3 doanh nghiệp này đã mua về tổng cộng gần 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Petrolimex. Tổng số tiền mà ba công ty này bỏ ra cho thương vụ là 2.568 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 3 cổ đông này của PG Bank đều có liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Thành Công (TC Group).

Quay trở lại với tài liệu ĐHĐCĐ bất thường 2025 của PGBank, ngoài kế hoạch tăng vốn điều lệ, ngân hàng này cũng trình đại hội xem xét, thông qua việc thực hiện đầu tư góp vốn, mua cổ phần để thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết ở trong nước hoạt động trong một/một số các lĩnh vực gồm: Bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua, bán cổ phiếu; Bảo hiểm.

Giá trị giao dịch, góp vốn dự kiến từ 20% vốn điều lệ trở lên hoặc một mức phù hợp khác theo quy định của pháp luật, miễn sao đảm bảo đơn vị được đầu tư trở thành công ty con hoặc công ty liên kết của ngân hàng.

Nguồn tiền góp vốn/mua cổ phần là từ vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật.

PV

Phạm Thị Tâm

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/pgbank-muon-tang-von-them-5000-ty-dong-lan-san-sang-chung-khoan-bao-hiem-205250718121433409.htm