PGBank và 4 ngân hàng chưa thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

Tính đến hết năm 2023, Agribank, Vietcombank, Vietinbank và PGBank... là những ngân hàng nằm trong danh sách chưa thực hiện theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước với số tiền lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội và Quyết định số 02/2022/QĐ-KTNN của Tổng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã công bố danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN tính đến thời điểm 31/12/2023.

Danh sách này được Vụ Tổng hợp (Kiểm toán nhà nước) rà soát, thống kê dựa trên Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2023 của các đơn vị chủ trì kiểm toán năm 2022 đối với niên độ ngân sách Nhà nước 2021 và các kiến nghị từ các năm trước chưa hoàn thành. 

Theo danh sách này, tổng số tiền kiến nghị liên quan đến tài chính chưa được thực hiện lên tới trên 67.000 tỷ đồng, trong đó có những kiến nghị kéo dài, tính đến thời điểm 31/12/2023. Trong danh sách có tên 5 ngân hàng chưa thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

pgbank-va-4-ngan-hang-chua-thuc-hien-ket-luan-kien-nghi-cua-kiem-toan-nha-nuoc-1718025823.jpeg
 

Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có tổng con số chưa thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước là 18,8 tỷ đồng bao gồm 18,6 tỷ đồng tại Báo cáo kiểm toán năm 2021 và 190 triệu đồng năm kiểm toán 2020 trở về trước (niên độ ngân sách Nhà nước 2019 trở về trước).

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) có 109,8 tỷ đồng chưa thực hiện theo kết luận của Kiểm toán nhà nước. Trong đó, đối với năm kiểm toán 2021 (niên độ NSNN 2020), tại Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của Vietinbank ghi nhận hơn 96,4 tỷ đồng.

Đối với năm kiểm toán 2019 (niên độ NSNN 2018), KTNN ghi nhận tại Báo cáo kiểm toán Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, KTNN xác định số chưa thực hiện là hơn 13,3 tỷ đồng.

Đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Kiểm toán nhà nước cũng xác định còn 5,079 tỷ đồng chưa thực hiện tính đến ngày 31/12/2023. Con số này được ghi nhận tại Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam; Kiểm toán việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 được ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2027 của Thủ tướng Chính Phủ.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (đã đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển, PGBank) ghi nhận 3,503 tỷ đồng chưa thực hiện tại Báo cáo kiểm toán Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex năm 2020.

Cũng có tên trong danh sách này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được xác định có 121,2 tỷ đồng chưa thực hiện theo kết luận của KTNN. Trong đó, 120 tỷ đồng được ghi nhận tại Báo cáo kiểm toán BCTC, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2014. Còn 1,13 tỷ đồng ghi nhận tại Hoạt động xây dựng và việc quản lý sử dụng vốn đầu tư dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (niên độ 2017)

Ngoài ra, danh sách của Kiểm toán nhà nước còn nêu tên nhiều Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước như: PVN, EVN, TKV, GVR... với số tiền chưa thực hiện hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. 

Hà Ly

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/pgbank-va-4-ngan-hang-chua-thuc-hien-ket-luan-kien-nghi-cua-kiem-toan-nha-nuoc-20515979.htm