PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Đánh thuế mua bán vàng là cần thiết

Đánh giá các giải pháp NHNN thực hiện đối với thị trường vàng trong thời gian qua, PGS.TS.Nguyễn Thị Mùi – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, NHNN đã thành công bước đầu trong việc kéo giá vàng xuống, giảm đáng kể mức chênh lệch với giá vàng thế giới. Mục tiêu đặt ra là đạt được.

Tuy nhiên, để thị trường vàng ổn định, về lâu dài, cùng với việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nhà nước cũng cần nghiên cứu, bổ sung công cụ thuế đối với hoạt động mua bán vàng.

PV: Theo bà vì sao nên đánh thuế đối với giao dịch vàng như một loại hàng hóa?

Theo tôi bây giờ khi xã hội càng phát triển, người dân có tiền nhàn rỗi người ta sẽ tìm đến các kênh đầu tư khác nhau, có thề đầu tư vào chứng khoán, mua bán bất động sản và đầu tư vào các lĩnh vực có thể kiếm lời, trong đó không thể không kể đến một kênh đầu tư thời gian vừa qua người dân quan tâm đó là đầu tư vào vàng. Đầu tư vào vàng lúc mua lúc bán người ta cũng kiếm lời nhất định. Tôi nghĩ là để bình đẳng giữa các kênh đầu tư với nhau thì việc đánh thuế vào việc mua bán vàng rất cần thiết. Tôi cho rằng việc đánh thuế vào đầu tư vàng không chỉ đảm bảo sự bình đằng giữa các kênh đầu tư mà còn hàm chứa khía cạnh tạo điều kiện, là một trong những giải pháp để cho giá vàng, thị trường vàng từng bước ổn định.

PV: Nếu đánh thuế như vậy sẽ có ý nghĩa như nào trong việc hạn chế đầu cơ, ổn định chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất…?

Chính sách thuế rõ ràng có tác dụng rất lớn, một khi muốn thu hẹp hoạt động này dùng chính sách thuế có thể cao lên hoặc muốn mở rộng kênh đầu tư hoặc mở rộng hoạt động nào đó thì chính sách thuế sẽ ưu đãi hơn. Do đó phải khẳng định rằng thuế là một công cụ rất hữu hiệu để tạo điều kiện cho ngành đó phát triển hoặc là tạo mọi điều kiện để cho ngành đó mở rộng ra hoặc là thu hẹp lại. Trong bối cảnh hiện nay, vàng được coi như là một kênh đầu tư để kiếm lời, rõ ràng việc xem xét để đưa ra một mức thuế hợp lý là rất cần thiết. Làm sao để mức thuế đó tạo điều kiện: thứ nhất là bình đẳng giữa các kênh đầu tư; thứ hai là tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, không bị các yếu tố đầu cơ chi phối; thứ ba rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, nhập khẩu vàng để sản xuất ra vàng trang sức hoặc là in dập ra vàng lá, vàng khối để bán kiếm lời. Rõ ràng trong trường hợp này phải có một chính sách thuế hợp lý để tạo điều kiện có đủ cung cũng như đáp ứng nhu cầu của người đầu tư hoặc của người tiêu dùng trên cơ sở đó thị trường vàng Việt Nam mới phát triển ổn định được.

PV: Mức thuế, theo bà, nên khoảng như thế nào thì hợp lý, nhất là so với kinh nghiệm các nước?

Theo tôi mức thuế bây giờ đưa ra rất là khó, có thể tham khảo qua việc đầu tư vào chứng khoán là rõ rệt nhất. Thời kỳ đầu chúng ta đưa ra mức thuế chứng khoán cũng có ý kiến này khác nhưng đến nay về cơ bản cũng đã hợp lý rồi. Một mặt, cần xem xét kinh nghiệm nước ngoài, mặt khác nữa là tham khảo giá đầu tư, thuế đang tính cho các nhà đâu tư trên thị trường chứng khoán, thuế thu nhập cá nhân, các loại thuế đang chi phối trên thị trường chứng khoán. Tôi nghĩ rằng có thể tham khảo nó để từng bước đưa vào thị trường vàng. Bây giờ để đưa ra một con số cụ thể ở Việt Nam mình rõ ràng đang từ số 0 mà bây giờ đưa ra quy định thì cần cân nhắc trên tất cả các góc cạnh. Đánh thuế nếu cao quá thì triệt tiêu không phát triển được dẫn đến không thu được, đánh thuế cần hợp lý để người ta từng bước đầu tiên trên cơ sở pháp luật phải nộp và sau đó người ta tự nguyện nộp đấy mới là cái quan trọng.

PV: Trong bối cảnh giá vàng thế giới có nhiều biến động, không ít người vẫn có tâm lý mua và tích trữ vàng, bà có khuyến nghị gì với người dân?

Theo tôi có nhiều lý do mà những ngày vừa qua nhiều người dân mua vàng. Thực ra vàng chỉ sinh lời khi giá lên, nó khác với dòng tiền khác nên người dân phải thực sự cân nhắc. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang thấp nhưng "Ăn chắc mặc bền", gửi vào sau thời gian nhất định chắc chắn 100% lấy đủ gốc đủ lãi, mặc dù lãi hơi thấp. Tuy nhiên, khi mua vàng nếu giá vàng tiếp tục giảm xuống thì rủi ro mình phải chịu. Còn nếu giữ được bình thường ta thấy đồng tiền đưa vào vàng như chết đi, chỉ có điều khi mua vàng việc tích sản vật chất không sợ khi đồng tiền mất giá chứ không phải dòng tiền quay đi quay lại được. Tôi nhấn mạnh, chỉ khi đầu tư mua vàng mà giá vàng tăng lên lúc ấy mới kiếm lời, nếu giá vàng giữ nguyên hoặc giảm đi thì nó chỉ có khía cạnh là mình giữ được 1 chỉ vàng sau 5 năm 10 năm vẫn là 1 chỉ vàng. Do đó, theo tôi người dân phải rất cân nhắc trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều kênh đầu tư có thể kiếm lời, trong đó gửi tiết kiệm là phù hợp cho những người dư giật không nhiều. Nếu vẫn chưa có đủ điều kiện để đầu tư chứng khoán vì đầu tư chứng khoán cần am hiểu hoặc vẫn không có đủ tiền để đầu tư bất động sản thì vẫn nên gửi tiết kiệm. Gom tiền để mua 1, 2 cây vàng để khi gia đình có công có việc hoặc là tổ chức cưới con cháu thì còn được, còn bảo mua vàng để chờ lên giá bán đi thì tôi nghĩ 1 cây mức lời cũng khiêm tốn.

PV: Xin cảm ơn Bà.

PV

PV

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/pgsts-nguyen-thi-mui-danh-thue-mua-ban-vang-la-can-thiet-20515932.htm