Tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới ở Thượng Hải, nhà sáng lập công ty khởi nghiệp Qu Dongqi đã trình chiếu một đoạn video đặc biệt. Nó được tạo bởi AI, dựa trên bức ảnh gốc chụp người phụ nữ đứng cùng 2 đứa trẻ mới biết đi. Nhờ công nghệ mới tiên tiến, tất cả trở nên thật sống động khi người phụ nữ có thể cử động được và bế hai đứa trẻ trên tay, còn chúng thì cười phá lên vì ngạc nhiên.
Video được tạo ra bởi công ty internet Trung Quốc Kuaishou. Công nghệ gợi nhớ đến một trình tạo video có tên Sora mà startup OpenAI của Mỹ đã công bố trước đó. Tuy nhiên, không giống như Sora, công nghệ này hiện có sẵn để công chúng sử dụng.
“Những người bạn Mỹ của tôi vẫn chưa thể sử dụng Sora”, ông Qu cho biết. “Nhưng chúng tôi đã có những giải pháp tốt hơn ở đây”.
Trong khi Mỹ có một khởi đầu thuận lợi trong việc phát triển AI, Trung Quốc nỗ lực bắt kịp. Trong những tuần gần đây, nhiều công ty Trung Quốc đã công bố một số công nghệ AI nhằm cạnh tranh với các hệ thống hàng đầu của Mỹ. Chúng hiện đã nằm trong tay người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà phát triển phần mềm độc lập trên toàn cầu.
Trong khi nhiều công ty Mỹ lo ngại rằng AI có thể đẩy nhanh sự lan truyền thông tin sai lệch hoặc gây ra những tác hại nghiêm trọng khác, các công ty Trung Quốc sẵn sàng đưa công nghệ của mình đến gần hơn với người tiêu dùng hoặc thậm chí chia sẻ mã phần mềm cơ bản với các doanh nghiệp và nhà phát triển phần mềm khác. Loại chia sẻ mã máy tính này, được gọi là mã nguồn mở, cho phép nhiều người nhanh chóng xây dựng và phân phối các sản phẩm của riêng mình trên cùng một công nghệ.
Mã nguồn mở đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của phần mềm máy tính, internet và hiện nay là trí tuệ nhân tạo. Ý tưởng là công nghệ sẽ tiến bộ nhanh hơn khi mã máy tính được cung cấp miễn phí cho tất cả mọi người.
Nỗ lực của Trung Quốc có thể tạo ra nhiều tác động to lớn khi công nghệ A.I. tiếp tục phát triển trong những năm tới. Công nghệ giúp tăng năng suất người lao động, thúc đẩy các sáng kiến trong tương lai và cung cấp năng lượng cho làn sóng công nghệ quân sự mới, bao gồm cả vũ khí tự động.
Kuaishou phát hành trình tạo video Kling tại Trung Quốc hơn 1 tháng trước. Ngay trước khi Kling xuất hiện, 01.AI, một công ty khởi nghiệp do Kai-Fu Lee đồng sáng lập, cũng đã phát hành công nghệ chatbot gần như cho hiệu quả tương đương với những công nghệ hàng đầu của Mỹ. Trong khi đó, công nghệ mới từ gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng đánh giá các hệ thống AI nguồn mở.
Tiến sĩ Lee cho biết: “Chúng tôi đã bác bỏ quan điểm cho rằng Trung Quốc không có tài năng hoặc công nghệ nào để cạnh tranh với Mỹ. Niềm tin đó hoàn toàn sai lầm”.
Trong các cuộc phỏng vấn, hàng chục chuyên gia công nghệ, nhà nghiên cứu tại các công ty công nghệ Trung Quốc cho biết công nghệ nguồn mở là động lực chính khiến AI của Trung Quốc phát triển nhanh đến vậy. Họ coi A.I. nguồn mở là cơ hội để đất nước dẫn đầu.
Tuy nhiên, điều đó sẽ không dễ dàng. Mỹ vẫn đi đầu trong nghiên cứu A.I và quan chức Mỹ quyết tâm duy trì điều này.
Nhà Trắng đã thiết lập lệnh cấm vận thương mại được thiết kế để ngăn chặn công ty Trung Quốc sử dụng các phiên bản chip máy tính mạnh nhất, vốn rất cần thiết để xây dựng trí tuệ nhân tạo. Một nhóm các nhà lập pháp đã đưa ra một dự luật giúp Nhà Trắng dễ dàng kiểm soát việc xuất khẩu phần mềm A.I, trong khi nhiều công ty hàng đầu đang cố gắng khám phá công nghệ mới nhằm mục đích làm lu mờ sức mạnh của các chatbot và trình tạo video hiện có.
“Các công ty Trung Quốc rất giỏi trong việc sao chép và cải thiện những gì Mỹ đã có”, Yiran Chen, giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Duke cho biết.
Nhiều người trong ngành công nghệ Trung Quốc tin rằng nguồn mở có thể giúp họ phát triển bất chấp những hạn chế trước đó. Nếu các nhà quản lý Mỹ kìm hãm tiến độ các dự án nguồn mở của mình, Trung Quốc có thể giành được lợi thế đáng kể.
“AI nguồn mở là nền tảng của sự phát triển AI”, Clément Delangue, giám đốc điều hành của Hugging Face, một công ty sở hữu nhiều công nghệ nguồn mở trên thế giới, cho biết.
Được biết, Mỹ đã xây dựng vị thế dẫn đầu của mình trong lĩnh vực AI thông qua sự hợp tác giữa các công ty và nhà nghiên cứu. Có vẻ như Trung Quốc cũng có thể làm được điều tương tự.
Giống như các quốc gia khác, ở Trung Quốc đang tồn tại một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu những tiến bộ công nghệ mới nhất nên được công khai hay giữ bí mật. Robin Li, giám đốc điều hành của Baidu, cho rằng công nghệ này cho lợi nhuận cao và an toàn nhất khi nằm trong tay một số ít người.
Các hệ thống AI đòi hỏi rất nhiều nguồn lực: nhân tài, dữ liệu và sức mạnh tính toán. Bắc Kinh đã nêu rõ những lợi ích thu được từ các khoản đầu tư kể trên, vậy nên đổ rất nhiều tiền vào các dự án.
Đổi lại, các công ty công nghệ Trung Quốc phải tuân thủ chế độ kiểm duyệt nghiêm ngặt của Bắc Kinh. Trình tạo video mới Kling của Kuaishou dường như đã được đào tạo để tuân thủ các quy tắc đó.
Bằng cách tạo ra AI tiên tiến miễn phí, các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang chứng minh thiện chí đóng góp cho sự tiến bộ công nghệ chung. 01.AI, công ty của Tiến sĩ Lee, hiện đang sở hữu một loại công nghệ được cho là đứng gần đầu bảng xếp hạng các công nghệ tốt nhất thế giới.
Cùng thời điểm đó, một nhóm từ Đại học Stanford ở California đã cho ra mắt Llama 3-V. Một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã sớm nhận thấy rằng mô hình này được xây dựng dựa trên một hệ thống nguồn mở đến từ Trung Quốc. Như vậy, thay vì các nhà phát triển Trung Quốc xây dựng sản phẩm dựa trên công nghệ của Mỹ, các nhà phát triển Mỹ đang xây dựng trên công nghệ Trung Quốc.
Theo: The New York Times
Cộng tác viên