Phan Quốc Việt và 6 bị cáo hầu tòa phúc thẩm vụ Việt Á

Phan Quốc Việt cùng 6 bị cáo khác hôm nay hầu tòa phúc thẩm trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á và Học viện Quân Y.

Ngày 17/7, Tòa án Quân sự Trung ương xét xử phúc thẩm vụ Việt Á để xem xét đơn kháng cáo của Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á và 6 bị cáo.

Trước đó tòa sơ thẩm tuyên án Phan Quốc Việt bị tuyên án 15 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và 10 năm tù cho hành vi vi phạm đấu thầu, tổng hợp hình phạt là 25 năm tù.

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ nhận 15 năm tù; Hồ Anh Sơn, Thượng tá, cựu Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y, 12 năm tù.

Bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó TGĐ Công ty Việt Á): 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Bị cáo Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân Y): 12 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Phan Quốc Việt và 6 bị cáo hầu tòa phúc thẩm vụ Việt Á- Ảnh 1.

Phan Quốc Việt và các bị cáo tại tòa. Ảnh: VOV

Bị cáo Nguyễn Văn Hiệu (cựu Trưởng phòng Trang bị - vật tư, HVQY): 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Bị cáo Ngô Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Tài chính, HVQY): 4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Bị cáo Lê Trường Minh (cựu Trưởng ban Hóa dược, Phòng Trang bị - vật tư, HVQY): 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Sau đó, các bị cáo này có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị đơn dân sự là Công ty Việt Á kháng cáo xin xem xét lại phần trách nhiệm dân sự. Tòa án cũng triệu tập bà Hồ Thị Thanh Thủy – vợ bị cáo Việt, đến tham dự với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo hồ sơ vụ án, khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở nước ngoài và có nguy cơ cao lây lan vào Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện Quân y có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề xuất nhiệm vụ phát triển kit chẩn đoán viêm phổi do virus corona.

Đầu tháng 2/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ có quyết định thành lập hội đồng, tổ thẩm định kinh phí và giao Học viện Quân y chủ trì; Hồ Anh Sơn là chủ nhiệm đề tài, với kinh phí 18,9 tỷ đồng, thực hiện trong 18 tháng. Sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ giao đề tài, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã nghiên cứu để tối ưu hóa.

Dù Học viện Quân y chủ trì đề tài, nhưng chính Phan Quốc Việt đã chỉ đạo vợ là Hồ Thị Thanh Thủy mang bộ kit xét nghiệm Covid-19 do Thủy nghiên cứu ra Hà Nội để đánh giá chất lượng. Bộ kit xét nghiệm này được Thủy nghiên cứu, tối ưu từ các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ và một số nước khác, xây dựng quy trình sản xuất kit sử dụng gen đích để phát hiện ra virus.

Quá trình nghiên cứu đề tài, Trịnh Thanh Hùng, Hồ Anh Sơn, Phan Quốc Việt xác định kit của Công ty Việt Á cung cấp tốt hơn nên Hùng, Sơn, Việt thống nhất không đặt vấn đề Học viện Quân y chuyển giao quy trình nghiên cứu của mình để Công ty Việt Á sản xuất 20.000 kit test thử nghiệm.

Trịnh Thanh Hùng đã thông đồng với Phan Quốc Việt, Hồ Anh Sơn đưa bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp (không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y) đi thử nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài, nghiệm thu Đề tài.

Việc này khiến quy trình nghiên cứu của HVQY không có sản phẩm được thử nghiệm, đánh giá và hậu quả là đề tài của HVQY không hoàn thành.

Trong vụ án này, Việt đã gian dối trong làm thủ tục cấp phép bộ sản phẩm kit tại Bộ Y tế để được Bộ Y tế ra Quyết định cấp phép tạm thời và Quyết định cấp phép lưu hành bộ kít cho Công ty Việt Á trái pháp luật. Hành vi gian dối này của các bị cáo trong việc tiếp nhận, nghiên cứu, nghiệm thu, quyết toán số tiền Bộ Khoa học và Công nghệ giao Học viện Quân y nghiên cứu Đề tài, đã gây thiệt hại gần 18,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, các ông Trịnh Thanh Hùng, Phan Quốc Việt còn thông đồng trong việc gian dối để Công ty Việt Á được cấp phép và sản xuất thương mại trái phép bộ kit.

Ông Hồ Anh Sơn còn bị cho là đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vụ lợi cá nhân trong việc mua, bán tăm bông, ống môi trường dán nhãn Viện Nghiên cứu y dược học quân sự và cung cấp cho Công ty Việt Á để bán cho các cơ quan, tổ chức sử dụng trong phòng, chống dịch. Việc này giúp ông Sơn được hưởng lợi trái phép hơn 2,1 tỷ đồng.

Sau khi được Học viện Quân y thanh toán 41,7 tỷ đồng tiền kit xét nghiệm, Việt Á cảm ơn Trịnh Thanh Hùng bằng 350.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng) đồng thời chi cho ông Hồ Anh Sơn 2,5 tỷ đồng, cho ông Nguyễn Văn Hiệu 3,56 tỷ đồng và ông Ngô Anh Tuấn 1,37 tỷ đồng tiền hoa hồng.

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/phan-quoc-viet-va-6-bi-cao-hau-toa-phuc-tham-vu-viet-a-205240717110649848.htm